Hội thảo quốc tế Việt Nam – Nhật Bản về thương mại điện tử được tổ chức vào ngày 24 và 25/11/2011 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm của gần 15 diễn giả Nhật Bản, bao gồm các quan chức trong lĩnh vực xây dựng chính sách và pháp luật và đại diện các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến. Các diễn giả Nhật Bản đã giới thiệu về chính sách và pháp luật thương mại điện tử tại một quốc gia hàng đầu thế giới về kinh tế tri thức. Hội thảo cho thấy việc nghiên cứu chính sách và pháp luật thương mại điện tử của Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam định hình được những việc phải làm cho cả thập kỷ 2011 – 2020, đặc biệt là những quy định pháp luật liên quan tới bảo vệ thông tin cá nhân và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến. Kinh nghiệm của Nhật Bản cũng cho thấy thương mại điện tử có nhiều lợi ích nhưng không dễ dàng được mọi người sử dụng. Thực tế cho thấy sau thảm họa động đất và sóng thần tháng 3 năm 2011, do các cơ sở phân phối tại địa phương ngừng hoạt động nên phương thức mua sắm duy nhất của phần lớn dân cư là qua điện thoại di động truy cập Internet. Nhờ đó, không những doanh số bán hàng qua mạng tăng cao mà nhiều người cao tuổi trong vùng bị ảnh hưởng bởi thảm họa đã biết sử dụng điện thoại di động truy cập Internet để mua hàng. Tại hội thảo này, nhiều diễn giả Nhật Bản cũng đánh giá tiềm năng to lớn của thương mại điện tử tại Việt Nam trong giai đoạn tới và mong muốn hợp tác đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam.

Tại hội thảo, ông Toshihiro Eto, đại diện Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nhận định bên cạnh việc tăng cường phổ biến, ứng dụng thương mại điện tử, Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ với những hướng dẫn cụ thể cho từng đối tượng.

Trong đó, nên chú trọng các quy định bảo vệ người tiêu dùng khỏi các quảng cáo, tin nhắn rác và xâm hại thông tin cá nhân; ngăn chặn giới trẻ tiếp cận những thông tin tiêu cực; đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh và có những ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử.

Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam mới triển khai các ứng dụng thương mại điện tử ở mức cơ bản như trao đổi thư điện tử, quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm qua Website, tìm kiếm thông tin trên mạng… nên tỷ lệ ứng dụng sâu thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh còn ở mức khiêm tốn.

Để thương mại điện tử thực sự trở thành công cụ hỗ trợ kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp cần tăng cường khai thác những tiện ích chuyên biệt của thương mại điện tử phù hợp với tiềm lực công ty. Riêng với hoạt động xúc tiến thương mại, doanh nghiệp có thể áp dụng các kênh thương mại điện tử khác nhau, như quảng cáo trực tuyến, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, tối ưu hóa sự hiện diện trên các Website tìm kiếm nổi tiếng…

Theo mục tiêu được đề ra tại Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 – 2015, lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt mức tiên tiến so với các nước trong khu vực ASEAN vào năm 2015./.

 

Download tài liệu tại đây.

Chương trình hội thảo Việt – Nhật 2011

1. Xu hướng kinh doanh trên mạng tại Nhật Bản và những thách thức đặt ra

2. Tổng quan TMĐT năm 2011 và cập nhật các quy định pháp luật mới về TMĐT của Việt Nam

3. Kinh nghiệm triển khai thanh toán TMĐT 10 năm qua của SBI VeriTrans

4. Giới thiệu về tình hình ứng dụng TMĐT tại Vietcombank

5. Email marketing với việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh TMĐT tại Nhật Bản

6. Phát triển TMĐT trong ngân hàng và các doanh nghiệp Việt Nam

7. Grateful Days và dịch vụ trò chơi trực tuyến sử dụng công nghệ truyền thông 3D

8. Các giải pháp trung gian thanh toán của Payoo và hướng phát triển cho TMĐT trong tương lai