Ngày 18/04/2012, tại Hà Nội đã diễn ra buổi Tọa đàm góp ý cho dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT do Hội Tin học Việt Nam (VAIP) và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đồng tổ chức. Tham dự buổi tọa đàm có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, đại diện Vụ Công nghệ thông tin – Bộ TT&TT, Chủ tịch VAIP Bùi Mạnh Hải và nhiều đại diện các cơ quan nhà nước, hiệp hội, tổ chức và doanh nghiệp.
Tiến sĩ Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch VAIP, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, ngay sau đó là bài báo cáo khá tổng quan của Ban soạn thảo Nghị định về dịch vụ công nghệ thông tin của ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Mở màn cho buổi tọa đàm, ông Nguyễn Long, Phó Tổng Thư ký VAIP đã đưa ra nhận định của mình: “Việc xây dựng Nghị định về dịch vụ CNTT có xuất phát điểm nhằm làm cụ thể, rõ ràng hơn những điều đã ghi trong Luật CNTT về khuyến khích ưu đãi phát triển loại hình dịch vụ CNTT. Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT đã được soạn thảo rất công phu, đã quy định một số chính sách ưu đãi cụ thể… ”.
Nhìn chung cho tới thời điểm hiện tại, có thể nói dự thảo có ảnh hưởng lớn và thu hút được nhiều sự quan tâm từ phía các Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến công nghệ thông tin trong cả nước, đặc biệt có được sự chú ý từ phía các doanh nghiệp nước ngoài. Qua tổng hợp các ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp thành viên gửi về VAIP và VINASA thì thấy Dự thảo Nghị định vẫn còn nhiều điểm quy định chưa chặt chẽ và có phạm vi bao trùm khá rộng, nhiều vấn đề đưa ra chồng chéo với các nghị định khác của nhà nước, dự thảo Nghị định vẫn chưa thực sự đáp ứng được đúng như mong muốn và nguyên vọng của toàn thể doanh nghiệp về mặt hỗ trợ cho việc phát triển công nghệ thông tin trong nước.
Tuy vẫn còn một số quan điểm trái chiều của các doanh nghiệp về dự thảo, nhưng hầu hết đều cho rằng việc xuất hiện một số nội dung trong dự thảo Nghị định lần này sẽ ảnh hưởng lớn, tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp trong nước, không những vậy còn gây ra sự lo ngại lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu kinh doanh tại Việt Nam và tạo nên hiệu ứng tiêu cực với thị trường kinh doanh công nghệ thông tin trong nước. Điển hình là việc phát sinh thêm nhiều thủ tục yêu cầu tới việc xin cấp phép, chứng chỉ được cho là không cần thiết và nên bỏ khỏi dự thảo.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định khá rộng và chung chung. Đúng như nhận định của một số ý kiến có thể thấy, với xu thế phát triển công nghệ thông tin toàn cầu như hiện nay thì việc tìm ra một ngành nghề hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT lần này là rất khó.
Hầu hết các điều khoản đề ra trong dự thảo đều nhận được nhiều đóng góp ý kiến từ phía các thành viên tham gia tọa đàm, điều đó chứng tỏ mối quan tâm lớn từ phía các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tới việc ban hành Nghị định về dịch vụ CNTT lần này, có thể coi đây là một dấu hiệu tốt cho một nền công nghệ thông tin đang phát triển trong nước.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn từ cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT là văn bản do Bộ soạn thảo đã nhận được sự quan tâm từ cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay, thậm chí còn có nhiều ý kiến đóng góp hơn cả khi soạn thảo Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT. Bộ TT&TT vẫn đang tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT và sẵn sàng tiếp thu để hoàn thiện dự thảo này. Mong cộng đồng CNTT coi đây là sản phẩm chung nhằm thúc đẩy sự phát triển dịch vụ CNTT tại Việt Nam trong thời gian tới.
Dự thảo nghị định về dịch vụ công nghệ thông tin
Một số hình ảnh trong buổi tọa đàm