Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của thành phố, sự quan tâm phối hợp chặt chẽ giữa sở, ban, ngành, các địa phương và doanh nghiệp, hoạt động Thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn Hải Phòng đã có những chuyển biến tích cực. Sự phát triển và thích ứng trong xu thế công nghệ số, đặc biệt là nhờ các giải pháp ứng dụng TMĐT trong quản lý cũng như sản xuất kinh doanh đã giúp Hải Phòng dần định hình rõ các lợi ích cũng như triển vọng trong phát triển kinh tế xã hội nói chung, kinh tế công thương nói riêng.

Để hiểu hơn về sự phát triển TMĐT tại thành phố Cảng, Phóng viên Tạp chí Thương Gia & Thị trường (Cơ quan Ngôn luận Hiệp hội TMĐT Việt Nam) –  đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Phương – Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng xung quanh vấn đề này.

PV: Trước hết, xin ông chia sẻ đôi nét về tình hình phát triển TMĐT của thành phố và vai trò của TMĐT trong phát triển kinh tế, nhất là đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu tại địa phương?

Ông Phạm Văn Phương: Trước hết, chúng tôi khẳng định rằng, TMĐT của Hải Phòng đã có những phát triển rõ nét. Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử – EBI của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2012, 2013, 2014 Chỉ số TMĐT thành phố Hải Phòng liên tục đứng thứ 4 toàn quốc (sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng). TMĐT được sử dụng phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của thành phố Hải Phòng so với các địa phương khác.

Tính trong năm 2015 giao dịch thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến góp phần làm tăng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ. Cụ thể theo Báo cáo kết quả hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ năm 2015 ước đạt trên 80.000 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2014.

TMĐT ngày càng đóng vai trò quan trọng cho phát triển của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Hải Phòng. Bởi, nhờ ứng dụng TMĐT đã giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin người dùng nhanh hơn, kết nối trực tiếp được với các nhà nhập khẩu và người mua hàng để khai thác các thị trường có tiềm năng, hiệu quả hơn.

Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu hoàn toàn có thể tham gia các sàn giao dịch TMĐT, sàn giao dịch hàng hóa uy tín trong nước và thế giới như Alibaba,…để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.

tran-lich

Doanh nghiệp Hải Phòng tích cực tham gia Ngày mua sắm trực tuyến – Online Friday 2015

Bên cạnh đó, TMĐT cũng giúp thúc đẩy dịch vụ Logistics phát triển kịp thời để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, và nhiều giao dịch mua bán hàng hóa qua mạng cần đến các dịch vụ Logistics cũngnhư chuyển phát chất lượng để đưa hàng hóa từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng.

Hải Phòng là một thành phố Cảng rất có tiềm năng phát triển dịch vụ Logistics. Cảng Hải Phòng đã và đang triển khai xây dựng trở thành cảng cửa ngõ quốc tế khu vực phía Bắc, tiếp nhận các tàu biển trọng tải trên 100.000 DWT, cùng với mạng lưới đường bộ, đường cao tốc, luồng hàng hải và đường sắt sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ các hoạt động cung ứng dịch vụ logistics và đưa Hải Phòng thành một mắt xích quan trọng thúc đẩy giao thương.

Vì vậy, để bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới buộc các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng cần đẩy mạnh ứng dụng TMĐT để mở rộng thị trường không những trong nước mà còn tìm kiếm những đối tác ở nhiều quốc gia khác nhau. Như vậy, mới thúc đẩy được quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy nhanh quá trình mở cửa và hội nhập của nền kinh tế, góp phần vào tăng trưởng kinh tế – xã hội của thành phố, phấn đấu đưa Hải Phòng trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao của cả nước.

PV: Ông đánh giá thế nào về hiện trạng ứng dụng TMĐT của các doanh nghiệp tại địa phương hiện nay?

Ông Phạm Văn Phương: Xét về lợi ích mà TMĐT mang lại là lớn và có triển vọng phát triển ở Hải Phòng. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện tổng quan, tình hình ứng dụng TMĐT tại thành phố vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng phát triển TMĐT.

Số liệu điều tra của Trung tâm TMĐT thuộc Sở năm 2014 cho thấy, trong số 556 doanh nghiệp và 720 người tiêu dùng được điều tra, thì có tới 327/556 chiếm 58,8% doanh nghiệp chưa có kế hoạch thực hiện TMĐT trong tương lai gần. Dù vậy, vẫn có 37,8% doanh nghiệp đang có và sẽ thực hiện ứng dụng TMĐT trong tương lai.

Trong khi đó, trong 720 người dùng cho rằng, thời gian trung bình sử dụng Internet là trên 60 phút/ngày, chiếm tới 73% số lượng điều tra. Đáng chú ý là có tới 60% người dân đã quan tâm đến tìm kiếm thông tin mua sắm hoặc mua sắm trên Internet. Điều này cho thấy, người tiêu dùng thành phố đang thực sự quan tâm tới hình thức mua sắm này.

Tuy nhiên, nếu so sánh tỷ lệ tính năng đặt hàng trực tuyến, Hải Phòng thấp hơn so với tỷ lệ điều tra bình quân cả nước, nhưng tỷ lệ tính năng thanh toán trực tuyến, thì Hải Phòng đạt mức tương đương của cả nước là 8%. Theo đó, chúng ta có thể nhận thấy, tỷ trọng doanh số bán hàng qua kênh Internet của các doanh nghiệp cũng có sự chênh lệch đáng kể. Tỷ trọng doanh thu từ TMĐT dưới 15% tổng doanh thu của doanh nghiệp chiếm 60%. Mặt khác, tình hình các doanh nghiệp đã tham gia vào các sàn giao dịch TMĐT còn khá thấp (8%) so với tỉ lệ chung của cả nước là từ 12 – 14%.

Hiện nay, tỷ lệ các doanh nghiệp có website TMĐT chỉ chiếm 19,4% nhưng tỉ lệ doanh nghiệp có website dưới những hình thức khác như website giới thiệu về doanh nghiệp chiếm tỉ lệ 41,2%.

số liệu TMĐT hải phòng

Kết quả điều tra cũng cho thấy sự đồng nhất với kết quả điều tra từ phía doanh nghiệp và người dùng trên địa bàn thành phố.Cụ thể, hình thức thanh toán bằng tiền mặt chiếm 48% số người được điều tra và chuyển khoản qua ngân hàng chiếm 26,7%.Các sản phẩm mà người tiêu dùng đặt mua qua mạng Internet cũng rất đa dạng bao gồm: đồ dùng cá nhân, quần áo chiếm 44,3%; đồ dùng gia đình 29,2%; đồ điện tử 18,3%. Tuy nhiên, những tồn tại như lừa đảo, chất lượng hàng hóa và sự chậm trễ trong giao hàng là những lí do khiến người tiêu dùng cảm thấy lo ngại nhất khi thực hiện mua sắm trực tuyến.

PV: Từ hiện trạng trên, chúng ta có thể đúc kết được gì trong ứng dụng TMĐT vào công tác quản lý và kinh doanh cho địa phương, thưa ông?

Ông Phạm Văn Phương: Tôi cho rằng, các doanh nghiệp nên mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng TMĐT.

Bởi, với các lợi thế phát triển kinh tế nổi bật như chính trị ổn định, nguồn nhân lực chất lượng, chính sách đầu tư thông thoáng, thị trường năng động, cơ cấu dân số trẻ, thì các doanh nghiệp thực sự có nhiều cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận và tiết giảm các chi phí liên quan nhờcác ứng dụng của TMĐT. Trong khi đó, người tiêu dùng đang ngày càng ưa chuộng hình thức mua hàng trực tuyến vì lý do thuận tiện và ít phức tạp hơn so với cách mua hàng thông thường.

3

Hải Phòng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ về TMĐT

Đối với các doanh nghiệp, để gặt hái được thành công và phát triển bền vững với TMĐT, các doanh cần phải tuân thủ theo đúng pháp luật. Đồng thời, thường xuyên cập nhật các điểm mới trong chiến lược, kế hoạch phát triển CNTT & TT và TMĐT của quốc gia.

Về lĩnh vực quản lý cần quan tâm nghiên cứu, nắm bắt các xu hướng mới cả về công nghệ lẫn kinh doanh trong phát triển TMĐT trong nước và quốc tế nhằm đưa ra các khuyến nghị hữu ích để điều chỉnh, hoàn thiện chiến lược và kế hoạch phát triển TMĐT của thành phố.

Bên cạnh việc tăng cường hoàn thiện các quy trình sản xuất, marketing và quản lý nội bộ, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia buổi hội thảo, lớp tập huấn để nhận thấy lợi ích và tầm quan trọng của TMĐT đối với hoạt động kinh doanh, quản lý.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông