Năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp hiệu suất hoạt động của Auchan sụt giảm và là năm đầu tiên báo lỗ.
Trong một tuần, tập đoàn bán lẻ và chuỗi siêu thị lớn nhất nước Pháp quyết định rút lui tại hai thị trường là Italy và Việt Nam. CEO Auchan Retail Edgar Bonte cho biết tập đoàn này đã quyết định bán 18 cửa hàng ở Việt Nam – mảng kinh doanh chỉ đạt doanh thu 45 triệu euro (50,4 triệu USD) năm ngoái và vẫn đang lỗ. Trước đó vào đầu tuần, đại diện tập đoàn này cũng cho biết sẽ bán gần như toàn bộ hoạt động của Auchan Retail Italy cho Conad – một tập đoàn bán lẻ Italy.
Bên ngoài siêu thị Auchan tại Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Anh Minh |
Khởi đầu từ một cửa hàng tự phục vụ tại Roubaix năm 1961, Auchan Retail hiện là một trong những chuỗi bán lẻ có quy mô lớn nhất nước Pháp và đứng thứ 11 trên thế giới, là cấu phần chính đóng góp gần 99% doanh thu của công ty mẹ – Auchan Holding. Thương hiệu Auchan hiện diện tại 14 quốc gia, với mô hình gồm 963 đại siêu thị và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi.
Tuy nhiên, tương tự những mô hình bán lẻ truyền thống khác, thách thức với Auchan đến từ sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng, sức ép từ thương mại điện tử và sự khác biệt trong văn hóa giữa từng thị trường.
Trong báo cáo thường niên năm 2018, Việt Nam và Italy được nhắc đến là hai thị trường chưa có lợi nhuận. Chuỗi bán lẻ hàng đầu nước Pháp cho biết “chưa tìm thấy mô hình phù hợp tại hai thị trường này và đang chịu cảnh thua lỗ”. Dù vậy, hai thị trường này chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh hoạt động kinh doanh nhiều thách thức của Auchan trong hai năm gần đây.
Ba báo cáo liên tiếp từ tháng 3/2018 đến nay, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor đã hạ xếp hạng của Auchan Holding từ BBB+ xuống BBB và mức mới nhất là BBB-. “Việc hạ bậc xếp hạng và đánh giá triển vọng tiêu cực phản ánh quan điểm của chúng tôi về vị thế cạnh tranh suy yếu của Auchan tại một số thị trường quan trọng nhất, đặc biệt là Pháp, Nga và Italy”, báo cáo của Standard & Poor tháng 3/2019 cho biết.
Năm 2018, Auchan Holding – tập đoàn được mệnh danh “Walmart” của nước Pháp – đạt doanh thu gần 51 tỷ euro (hơn 57 tỷ USD) nhưng báo lỗ gần 1 tỷ euro, sụt giảm mạnh so với lợi nhuận gần nửa tỷ euro của năm 2017. Khoản chi phí liên quan đến việc đóng cửa các siêu thị hoạt động kém hiệu quả và cơ cấu lại hoạt động tăng đột biến gấp gần 6 lần so với năm trước đó.
Doanh thu của tập đoàn giảm 3,2% nhưng lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) giảm tới 16%, nguyên nhân chính là mức giảm 20,5% EBITDA của hoạt động bán lẻ (đóng góp tới 98% vào tổng doanh thu). Năm 2018 cũng là năm thứ hai liên tiếp lợi nhuận giảm sâu, và cũng là lần đầu EBITDA giảm xuống dưới 2 tỷ euro, trong khi trước đó chỉ số này đạt tới 2,6 tỷ euro vào năm 2016.
Theo đánh giá của Standard & Poor, những tác động bên ngoài như biến động tỷ giá tại Nga hay cuộc biểu tình của phe áo vàng tại Pháp chỉ tác động phần nhỏ đến kết quả chung, do “điểm yếu trong định vị của Auchan ở một số thị trường cốt lõi”.
Trong khi các đối thủ của Auchan bắt đầu chuyển hướng, như Carrefour tuyên bố thu hẹp không gian các đại siêu thị, Casino Group đóng cửa hoặc bán một số đại siêu thị thua lỗ, còn Leclerc đang tập trung vào việc cung cấp thực phẩm, thì “Walmart” của nước Pháp thiếu sự đa dạng trong phân khúc hoạt động và vẫn nghiêng về mô hình siêu thị, đại siêu thị cỡ lớn. Điều này, theo đánh giá của Standard & Poor, có phần chậm chân khi thị hiếu tiêu dùng của khách hàng đang thay đổi rất nhanh.
Tại thị trường Pháp, EBITDA mảng bán lẻ của Auchan giảm hơn 30% trong năm 2018. Sự phát triển nghiêng về mô hình cỡ lớn làm gia tăng chi phí hoạt động, giảm sức cạnh tranh của Auchan với những đối thủ đã chuyển hướng sang mô hình cửa hàng tiện lợi với ưu thế về giá.
Tại Nga, thị trường lớn thứ ba của Auchan, lợi nhuận của tập đoàn này cũng giảm 33%. Một phần đến từ biến động của tỷ giá, tuy nhiên việc định vị thị trường của hãng bán lẻ này dường như không còn thu hút được người tiêu dùng, khi khách hàng hướng sự quan tâm tới những đối thủ của Auchan, ví dụ X5 Retail. Tại Trung Quốc, dù hiệu suất hoạt động vẫn cao hơn mặt bằng chung của châu Á, EBITDA đã sụt giảm và tỷ suất lợi nhuận bắt đầu đi ngang.
Đối thủ của Auchan, ngoài những cái tên truyền thống nhanh chân thay đổi mô hình kinh doanh, còn đến từ những hãng thương mại điện tử, những đế chế như Amazon hay các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc.
Đánh giá về triển vọng của Auchan, Standard & Poor cho rằng yếu tố cạnh tranh trong thị trường bán lẻ thực phẩm của Pháp, kết hợp với những thay đổi nhanh chóng đối với hành vi của khách hàng, sẽ buộc tập đoàn bán lẻ này phải điều chỉnh mô hình kinh doanh để giữ vị thế thị trường và lợi nhuận.
Tuy nhiên, hãng xếp hạng tín nhiệm này cũng cho rằng có một số rủi ro với Auchan, trong cả phạm vi của kế hoạch chuyển đổi và tốc độ thực hiện. Auchan được dự báo sẽ không thể nhanh chóng lấy lại tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, cũng như thị phần tại một số thị trường quan trọng.
Minh Sơn (vnexpress.net)