Chiều ngày 31/3/2025, tại Hà Nội, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) tổ chức “Hội nghị gặp gỡ hội viên và bàn giải pháp tăng tổng mức bản lẻ năm 2025” với sự tham gia của hơn 50 đại biểu là đại diện cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp hội viên và đối tác…

Tham dự buổi Hội nghị có ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục Trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước; ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội; bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Chuyên viên cao cấp Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ; các ông bà trong Ban chấp hành, văn phòng Hiệp hội, các đơn vị trực thuộc của Hiệp hội; lãnh đạo doanh nghiệp là Hội viên, các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối bán lẻ trên cả nước.

AVR tổ chức gặp mặt hội viên và bàn giải pháp tăng tổng mức bán lẻ năm 2025
Ông Nguyễn Anh Đức – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chủ trì buổi gặp mặt.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Anh Đức – Chủ tịch AVR chia sẻ: Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam được thành lập cách đây 18 năm, cũng là thời điểm Việt Nam gia nhập WTO. Một trong hai ngành được mở cửa đầu tiên là bản lẻ. Năm 2009, thực thi theo cam kết của WTO, các nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại thị trường Việt Nam. Đến năm 2012, các nhà đầu nước ngoài mới bắt đầu thành lập các nhà kho và khâu phân phối cùng doanh nghiệp bán lẻ. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc quá trình thành lập Hiệp hội.

Trong 18 năm qua, ngành bán lẻ đã có những thay đổi rất lớn. Tỷ lệ bán lẻ hiện đại so với bán lẻ truyền thống tăng từ mức 10% lên đến 26%; sự xuất hiện của những mô hình bán hàng không thông qua cửa hàng, đặc biệt là thương mại điện tử; hàng loạt hiệp định FTA được ký kết làm thay đổi môi trường bán lẻ cùng những ảnh hưởng sâu sắc của đại dịch Covid-19 đã tạo nên sự thăng trầm đáng kể cho những hoạt động của Hiệp hội bán lẻ và hội viên.

Cùng với kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng như các đơn vị tham gia vào thị trường bán lẻ cũng không ngoài vòng quay đó. Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 180 tỷ USD, đóng góp hơn 1/3 GDP cả nước. Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%. Thông thường tỷ lệ tăng trưởng ngành bán lẻ và thương mại dịch vụ gấp 1,5 lần tăng trưởng GDP. Như vậy, các nhà bán lẻ tại thị trường cần đóng góp khoảng 12%, tương đồng với dự thảo Chiến lược Phát triển thương mại trong nước của Bộ Công Thương.

AVR tổ chức gặp mặt hội viên và bàn giải pháp tăng tổng mức bán lẻ năm 2025
Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam báo cáo kết quả hoạt động của Hiệp hội nhiệm kỳ 2019-2024

Tại buổi gặp mặt, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội cho biết: Trong nhiệm kỳ vừa qua, mặc dù việc triển khai các nhiệm vụ của Hiệp hội còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức (dịch Covid – 19, đứt gãy chuỗi cung ứrng, thị trường thu hẹp, sức mua giảm, địa chính trị, chiến tranh thương mại trên thế giới diễn biến phức tạp…) song Hiệp hội đã tích cực tổ chức hoạt động và đạt được kết quả nhất định.

Cụ thể, Hiệp hội đã tham gia góp ý xây dựng các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực bán lẻ; liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI; giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối tiêu thụ tạo nên chuỗi cung ứng liên kết tiêu thụ bền vững; tham gia một số hoạt động XTTM, đào tạo, tập huấn do Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tổ chức. Đồng thời, Hiệp hội cũng đã tổ chức 8 khóa đào tạo kỹ năng quản trị tiếp thị, kỹ năng truyền thông thương hiệu; kỹ năng quản lý chăm sóc khách hàng, kỹ năng thương lượng đàm phán dành cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Về công tác hợp tác quốc tế, Hiệp hội tiếp tục duy trì quan hệ song phương và đa phương với các Hiệp hội bán lẻ đồng nghiệp và với Liên đoàn bán lẻ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (FAPRA). Phối hợp với các Hiệp hội, doanh nghiệp, đơn vị liên quan, Hiệp hội đã ký biên bản ghi nhớ với Hiệp hội rau quả Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp bán lẻ hợp tác với nhà sản xuất rau, quả, hoa… đảm bảo nguồn cung ổn định và hàng hóa chất lượng, đảm bảo ATTP phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Bước sang nhiệm kỳ mới, trước những cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và các chính sách phát triển thị trường trong nước, phát triển thị trường bán lẻ… đòi hỏi Hiệp hội phải có những bước phát triển mới, bước đột phá trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ đáp ứng được yêu cầu khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

AVR tổ chức gặp mặt hội viên và bàn giải pháp tăng tổng mức bán lẻ năm 2025
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục Trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước

Tới dự và phát biểu tại sự kiện, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục Trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước nhận định: Ngành bán lẻ là ngành đặc biệt, chiếm tỷ trọng lớn trong nên kinh tế, được mở cửa thị trường đầu tiên của Việt Nam. Áp lực cạnh tranh tại thời điểm Việt Nam gia nhập WTO là rất lớn. Đã có những sự lo ngại cho doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong cuộc cạnh tranh này. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy ngành bán lẻ đã tiến những bước dài, hệ thống bán lẻ hiện đại đã có phát triển vượt bậc.

Đánh giá cao kết quả mà Hiệp hội đã đạt được trong thời gian qua, đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cũng gợi mở một số vấn đề để Hội nghị cùng thảo luận để đóng góp vào nội dung văn kiện Đại hội dự kiến tổ chức vào tháng 6 tới đây cũng như phương hướng hoạt động của Hiệp hội trong thời gian tới.

Cụ thể, ông Tuấn đề xuất một số gợi ý như: Hiệp hội cần nâng cao vai trò là đại diện, cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước; Tổ chức các kênh ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp thành viên và chuyên gia để tham mưu, đề xuất các chính sách phù hợp để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của ngành; Tổ chức các diễn đàn, hội thảo, triển lãm chuyên ngành về bán lẻ nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, Hiệp hội cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp thành viên để triển khai các giải pháp công nghiệp tiên tiến, đẩy mạnh thương mại điện tử, mô hình bán lẻ đa kênh và thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, cần bảo đảm sự phát triển cân bằng, hài hòa giữa thương mại điện tử và bán lẻ truyền thống.

Cùng đó, Hiệp hội cần tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương trong kết nối cung cầu, đặc biệt là phối hợp với các địa phương; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phát triển nhân lực ngành bán lẻ.

Cũng tại Hội nghị, đại diện Sở Công Thương, Ban chấp hành AVR và các lãnh đạo doanh nghiệp Hội viên đã cùng thảo luận, đề xuất giải pháp, kiến nghị với cơ quan quản lý; đồng thời giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội kinh doanh góp phần thúc đẩy sự hợp tác và phát triển bền vững của ngành bán lẻ Việt Nam.

AVR tổ chức gặp mặt hội viên và bàn giải pháp tăng tổng mức bán lẻ năm 2025
Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc vận hành Hệ thống siêu thị WinMart gợi ý doanh nghiệp bán lẻ hướng tới phát triển thị trường tại khu vực nông thôn và mong muốn có những chính sách hỗ trợ thuế, tiền điện cho doanh nghiệp tại khu vực này
AVR tổ chức gặp mặt hội viên và bàn giải pháp tăng tổng mức bán lẻ năm 2025
Ông Lê Văn Liêm – Giám đốc khu vực Miền Bắc – Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) mong muốn được chia sẻ dữ liệu thị trường từ các doanh nghiệp thành viên để từ đó có những nghiên cứu, phân tích về nhu cầu thị trường
AVR tổ chức gặp mặt hội viên và bàn giải pháp tăng tổng mức bán lẻ năm 2025
Đại diện Aeon Việt Nam chia sẻ định hướng kết hợp với các nhà sản xuất trong nước phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng của Aeon và phân phối thông qua kênh phân phối của Aeon.
AVR tổ chức gặp mặt hội viên và bàn giải pháp tăng tổng mức bán lẻ năm 2025
Đại diện MM Mega Market mong muốn Hiệp hội và Bộ Công Thương sớm xây dựng tiêu chí “Sản phẩm tiêu dùng xanh”; “Doanh nghiệp bán lẻ xanh” và gợi ý kết hợp những yếu tố này để tổ chức các chương trình lớn tạo tiếng vang cho Hiệp hội và ngành bán lẻ.
AVR tổ chức gặp mặt hội viên và bàn giải pháp tăng tổng mức bán lẻ năm 2025
Bà Tú Anh đánh giá cao giải pháp ERP nhằm giảm chi phí vận hành doanh nghiệp bán lẻ. 
AVR tổ chức gặp mặt hội viên và bàn giải pháp tăng tổng mức bán lẻ năm 2025
Ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội 

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho biết: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng về tổng mức bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Công Thương mong muốn tiếp tục được phối hợp đồng hành cùng các doanh nghiệp của Hiệp hội nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa trong các lĩnh vực như: tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, thu hút đầu tư; phát triển thương mại điện tử; ứng dụng thương mại điện tử trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, tiêu thụ hàng hóa nội địa; nâng cao đội ngũ nhân lực quản lý nhân sự; liên kết giữa thị trường Hà Nội và các địa phương; đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống bán lẻ hiện đại; phát triển mô hình tiêu dùng xanh, phát triển bền vững.

AVR tổ chức gặp mặt hội viên và bàn giải pháp tăng tổng mức bán lẻ năm 2025
Theo dõi phần thảo luận sôi nổi tại Hội nghị, bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam rất vui mừng khi các Hội viên ủng hộ các ý tưởng và hoàn nghênh các sáng kiến của Bộ Công Thương và Hiệp hội trong thời gian tới.

 

AVR tổ chức gặp mặt hội viên và bàn giải pháp tăng tổng mức bán lẻ năm 2025
Ông Nguyễn Anh Đức phát biểu bế mạc Hội Nghị

Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Anh Đức gửi lời cảm ơn và trân trọng những ý kiến trao đổi của đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp hội viên tham dự hội nghị đã đưa ra nhằm định hướng chuyên môn, góp ý hoàn thiện quy mô và tổ chức hoạt động của Hiệp hội. Các ý kiến này sẽ được tổng hợp, đúc kết thành phương hướng hoạt động của Hiệp hội trong thời gian tới.

 Thanh Thúy

Trích nguồn Tạp chí Thương Trường