Theo kết quả khảo sát thường niên về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu năm 2017 (GRDI) của Hãng tư vấn A.T. Kearney, Việt Nam đã tăng 5 bậc lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng.
Hiện Việt Nam chỉ đứng sau các thị trường lớn là Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE). Như vậy, Việt Nam đã vượt các thị trường đông dân như Indonesia (vị trí trứ 8), hay các nước có thị trường bán lẻ tốt trong những năm qua như Saudi Arabia (thứ 11), Kazakhstan (thứ 16), Philippines (vị trí 18), Thái Lan (thứ 30). Điều này cho thấy thị trường bán lẻ trong nước có sức hút trở lại đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tương tự, kết quả khảo sát và nghiên cứu đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam được Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố mới đây cũng chỉ ra rằng, việc Chính phủ cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài, cùng với các yếu tố như chính sách ưu đãi, đô thị hóa, dân số tương đối trẻ… đã khiến thị trường bán lẻ Việt Nam lọt vào danh sách thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới.
Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, điển hình như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)… đã và đang đầu tư, khai thác tại Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán – sáp nhập.
Ông Suttisak Wilanan, Phó Giám Đốc Điều Hành công ty Reed Tradex chia sẻ trong Hội thảo chuyên đề ngành bán lẻ và nhượng quyền Việt Nam: “Việt Nam hội đủ các yếu tố tiềm năng như thị trường tiêu dùng lớn, mức thu nhập tăng nhanh và một thế hệ người tiêu dùng trẻ năng động, mang lại triển vọng lạc quan cho ngành bán lẻ và nhượng quyền thương mại phát triển gấp đôi trong 5 năm tới”.
Bùng nổ các cửa hàng tiện ích
Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2017, các nhà bán lẻ ngoại tại Việt Nam chiếm 17% thị phần, nhà bán lẻ trong nước chiếm 83% thị phần. Những thương hiệu lớn đã khẳng định được chỗ đứng và thế mạnh của mình có thể kể tới như Vingroup, Fivimart, Big C, Coopmart, Aeon Mall…
Bên cạnh đó, một nét đáng chú ý là có 70% nhà bán lẻ ngoại đang tập trung vào mở rộng các cửa hàng tiện ích, tạo nên diện mạo mới cho thị trường.
Không khó để nhận ra sự xuất hiện ồ ạt của các cửa hàng tiện ích. Vừa mới xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian rất ngắn nhưng Circle K Việt Nam đã phát triển chóng mặt với 259 cửa hàng tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, các chuỗi cửa hàng B’s mart, Family Mart, Ministop cũng mở rộng mạng lưới với số lượng cửa hàng đã lên hàng trăm đơn vị cho mỗi thương hiệu.
Ngoài ra, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài khác như Big C, Aeon, Auchan, Lotte… cũng đang tiếp tục đẩy mạnh mở rộng hệ thống nhằm gia tăng thị phần.
Không riêng doanh nghiệp nước ngoài, công ty bán lẻ nội địa cũng sớm gia nhập xu hướng này. Trong đó, Vingroup đã khiến thị trường bán lẻ phải ngạc nhiên bởi tốc độ gia tăng các điểm bán hàng quá nhanh của mình. Tính đến ngày 3/1/2018, Vingroup có tới 65 siêu thị Vinmart và 1.000 cửa hàng Vinmart+ trên cả nước.
Theo các chuyên gia phân tích thị trường, sự gia tăng mạnh mẽ của các cửa hàng tiện ích đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho bức tranh ngành bán lẻ, biến đây thành “chiến trường” ngày càng nóng bỏng, sôi động hơn.
Mua sắm trực tuyến tăng 61%
Ông Devid, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Naturefarm, một công ty thực phẩm tươi sống cho biết, một tỷ lệ lớn hàng hóa, sản phẩm của Công ty đã được chuyển hướng tiếp thị và phối hợp với các doanh nghiệp phân phối theo phương thức giao dịch điện tử, bán hàng trực tuyến và đạt được kết quả tích cực. Hiện này 70% đơn hàng là đến từ trực tuyến.
Việt Nam được đánh giá là một thị trường màu mỡ để phát triển ngành bán lẻ, nghiên cứu của Kantar Worldpanel cho thấy thị phần của các cửa hàng mini đã tăng trưởng vượt bật 32% từ năm 2015 đến năm 2016. Trong khi mua sắm trực tuyến tăng 61%, 49% số người thói quen mua sản phẩm qua điện thoại/smartphone ít nhất hàng tháng, cho thấy người tiêu dùng đang quen dần với việc ứng dụng công nghệ vào mua sắm.
Hiện có rất nhiều nhà bán lẻ, đặc biệt là những nhà bán lẻ hàng công nghệ như Thế giới di động, FPT… có xu hướng tích hợp thương mại điện tử, kết nối với công nghệ để hiểu rõ hơn về hành vi người tiêu dùng, nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Việc tập trung phát triển hệ thống thương mại điện tử, kết hợp kinh doanh và quảng cáo sản phẩm qua mạng sẽ giúp tăng hiệu quả bán hàng, đồng thời tiết kiệm chi phí bán hàng cho các nhà bán lẻ.
Theo nghiên cứu của Nielsen, Việt Nam đang có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến, chi tiêu của nhóm này đang chiếm 1/3 chi tiêu trên thương mại điện tử của người tiêu dùng tại Việt Nam. Dự báo, con số này tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thương mại điện tử tại Việt Nam chưa đạt như tiềm năng mong đợi do quan ngại của người dân về chất lượng của hàng hóa, thời gian chuyển hàng cũng như một số phần mềm thương mại điện tử vẫn chưa dễ sử dụng với tất cả mọi người.
Ông Dzung Nguyen, Giám đốc Dịch vụ Đo lường Bán lẻ Nielsen, Công ty Nielsen Việt Nam cho biết: “Một vấn đề cốt lõi là thương hiệu của công ty, doanh nghiệp hay sản phẩm. Các doanh nghiệp của Việt Nam cần có chiến lược tốt hơn trong việc giữ gìn thương hiệu để người tiêu dùng có đủ sự tin tưởng khi mua sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử”,
Ông Dzung Nguyen khẳng định, chúng ta không thể đi nhanh hay gọi vốn để tăng trưởng nếu không có công nghệ. Việt Nam đang có cơ sở hạ tầng tốt cho phát triển thương mại điện tử. Thêm vào đó, những chính sách của Chính phủ rất tốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế thời gian qua. Chính vì vậy, hơn lúc nào, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội tiếp cận với công nghệ để nhanh nhất thích ứng với xu hướng thế giới.
Ông Devid chia sẻ: “Xu hướng tiêu dùng mới hiện nay đã xuất hiện rất rõ ràng, gắn với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin. Số khách hàng mua bán thông qua giao dịch điện tử và các hình thức giao dịch, thanh toán thông minh tăng rất mạnh trong thời gian gần đây là thách thức lớn với các nhà bán lẻ, kể cả các trung tâm thương mại”.
nhipcaudautu