Sau thông tin về sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên vừa chính thức ra mắt (VBTC) và phản ứng của các cấp chính quyền, ông Bình đã đưa ra những phân tích của mình: “Có rất nhiều mặt hàng đặc biệt cần được sự cho phép của Nhà nước (như vũ khí, vật liệu nổ…) mới được giao dịch, sử dụng. Tiền tệ cũng là mặt hàng nhạy cảm, cần phải được quản lý. Không thể nhìn nhận Bitcoin là một loại nội tệ vì ở Việt Nam chỉ có một nội tệ duy nhất là VNĐ. Còn nếu nhìn Bitcoin là một loại ngoại tệ thì kinh doanh ngoại hối phải được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước. Có ý kiến cho rằng ở Việt Nam không có quy định nào cấm kinh doanh sàn giao dịch Bitcoin và như thế thì doanh nghiệp có thể kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Nhưng nếu nhìn nhận và làm mọi thứ như vậy thì đơn giản quá và xã hội không cần vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước nữa làm gì”.
Với quan điểm trung lập – không phản đối cũng không ủng hộ việc kinh doanh, giao dịch tại Việt Nam bằng Bitcoin, ông Nguyễn Hòa Bình chia sẻ thêm: “Giống như chơi chứng khoán, chỉ nên tham gia giao dịch bằng Bitcoin nếu bạn thực sự hiểu biết và tin tưởng, đừng nên nhắm mắt đầu tư theo phong trào. Chứng khoán còn được Nhà nước bảo hộ quyền lợi, nhưng với Bitcoin thì sự ủng hộ của các chính phủ trên thế giới là rất khó nói do những e ngại về tính minh bạch và khả năng lạm dụng cho các mục đích xấu (rửa tiền, khủng bố…)”.
Theo ông Bình, mặc dù có nhiều bài viết chuyên môn sâu về kỹ thuật chứng minh tính không thể can thiệp hay tác động được vào thuật toán của Bitcoin nhưng một khi đã là sản phẩm của kỹ thuật công nghệ thì không ai dám chắc 100% là thứ đó không thể bị hack hoặc bị điều khiển tác động bởi một “cửa hậu” (back-door). Nếu điều đó xảy ra thì sẽ có thể xuất hiện tình trạng lạm phát: người nắm quyền tác động sẽ giàu lên rất nhanh, đồng Bitcoin mất giá hoặc thậm chí trở thành “giấy lộn”, những người dân hoặc doanh nhân đã trót sở hữu Bitcoin từ việc bán các tài sản, công sức, mồ hôi nước mắt của mình sẽ trở nên trắng tay.
Từ những luận điểm trên, ông Nguyễn Hòa Bình khuyến cáo rằng bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh nào (kể cả thương mại truyền thống lẫn thương mại điện tử) đều sẽ có nguy cơ bị thiệt hại, rủi ro rất lớn cả về mặt pháp lý và kinh tế nếu cố tình chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin.
“Tại Việt Nam thì ít có khả năng đồng tiền Bitcoin sẽ là một xu hướng trong ngành thanh toán điện tử, bởi lý do quan trọng đầu tiên là sự không chấp nhận từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước, cơ quan điều hành cao nhất về tiền tệ cũng đã phát đi thông báo không thừa nhận giá trị pháp lý của đồng tiền này và cảnh báo các rủi ro nguy cơ về pháp lý cho những người liên quan”, ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
VECOM
Các bài liên quan:
Sàn giao dịch Bitcoin đầu tiên tại Việt Nam chính thức ra mắt
Một website mua bán Bitcoin dùng giao diện tiếng Việt đang hoạt động công khai
Tiền ảo Bitcoin lập kỷ lục 30 triệu đô la Mỹ về vốn đầu tư
Sàn giao dịch Bitcoin Việt Nam vẫn “án binh bất động”
Sàn giao dịch Bitcoin vẫn ra mắt cuối tháng 4/2014
“Không chấp nhận đăng ký sàn giao dịch Bitcoin tại Việt Nam”