Nghiên cứu của PwC chỉ ra, các công ty hàng tiêu dùng và bán lẻ Việt Nam đang có 5 tỷ USD “mắc kẹt” trong vốn lưu động. Sự sụp đổ gần đây của Toys “R” US, Sears, Rockport,… đã cho thấy cần thiết phải quản lý chặt hơn rủi ro của khách hàng, trình tự thanh toán và hàng tồn kho.
Ông Johnathan Ooi, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn của PwC Việt Nam
Quản lý vốn lưu động cần được nhìn nhận như chiến lược ưu tiên
Theo các đại diện đến từ PwC, để thích ứng với sự biến động của thế giới và với thị hiếu tiêu dùng số hóa ngày một nhiều khiến người tiêu dùng ít còn trung thành với một sản phẩm, các công ty cần đầu tư đổi mới cách tiếp cận khách hàng, tạo ra các nền tảng vững chắc để thúc đẩy sự tăng trưởng trong tương lai.
Hơn nữa, giải phóng tiền mặt và quản lý dòng vốn lưu động cần trở thành yếu tố ưu tiên, cần thiết cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhận thức của một số doanh nghiệp về vốn lưu động còn bị giới hạn vào các khoản mục trên bảng cân đối kế toán và nguồn tiền bị tắc nghẽn.
Sự sụp đỗ gần đây của một số chuỗi bán lẻ như Toys “R” US, Sears, Rockport,… đã cho thấy sự cần thiết phải quản lý chặt chẽ hơn các rủi ro của khách hàng, các trình tự thanh toán. Quản lý hàng tồn kho tốt hơn cũng sẽ tăng khả năng thích ứng nhanh chóng của các công ty trước nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng.
Nghiên cứu mới nhất của PwC Việt Nam về hiệu quả sử dụng vốn lưu động tại Việt Nam mang tên “Tăng trưởng bền vững và khả năng thanh khoản” cho biết, năm tài chính 2017, các doanh nghiệp hàng tiêu dùng và bán lẻ Việt Nam đang có 5 tỷ USD bị mắc kẹt trong vốn lưu động, trong đó chủ yếu là hàng tồn kho.
Báo cáo tài chính 2017 của các doanh nghiệp cho thấy, 3,4 tỷ USD là tổng số tiền mặt bị mắc kẹt trong vốn lưu động của các công ty hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng, 1,9 tỷ USD là lượng tiền mặt bị mắc kẹt trong ngành bán lẻ. Lượng tiền này đã tăng trung bình 15%/năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm hơn 40% vốn lưu động.
Đối với ngành hàng tiêu dùng Việt Nam, C2C kéo dài thêm 30 ngày trong 4 năm qua. Điều này chủ yếu do quản lý chưa hiệu quả đối với các chu kỳ hàng tồn kho và chu kỳ phải thu khách hàng. Cũng trong ngành này, chưa đầy 50% các công ty có khả năng rút ngắn C2C trong giai đoạn 2013 – 2017. Trong khi đó, tỷ lệ này đối với ngành bán lẻ là gần 60%.
Trong khi đó, đối với lĩnh vực bán lẻ, C2C đã được rút ngắn 11 ngày từ năm tài chính 2013 đến năm tài chính 2017 do những cải thiện trong quản lý hàng tồn kho, và kéo dài thời hạn thanh toán với nhà cung cấp.