Kể cả khi giảm nửa giá sản phẩm, việc thanh lý trong mùa dịch cũng khó khăn do người Mỹ giảm chi tiêu và ngại ra ngoài.

Ngành bán lẻ truyền thống của Mỹ vốn đã gặp khó vài năm gần đây. Vì thế, đại dịch xuất hiện như giọt nước tràn ly, khiến hàng loạt thương hiệu như J.C.Penney,Neiman Marcus, Brooks Brothers, Lord & Taylor phá sản và nhiều hãng khác phải đóng bớt cửa hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh người Mỹ ngại mua sắm tại các cửa hàng và không dám chi tiêu, việc thanh lý cũng trở nên khó khăn.

Các công ty đang giảm bớt số cửa hàng cho biết việc thanh lý hiện khác biệt rõ rệt so với trước đại dịch. Họ đã giảm giá mạnh sản phẩm, từ 40% trở lên thay vì 20% như thông thường, kèm nhiều ưu đãi khác. Tuy nhiên, số tiền thu được vẫn kém 25% so với khi đại dịch mới bắt đầu.

“Giống như là anh tổ chức tiệc và chẳng có ai tới cả”, Jim Schaye – CEO Eaton Hudson cho biết, “Mọi người không đổ xô đến J.C. Penney hay Lord & Taylor để mua hàng thanh lý như trước đây. Kể cả khi giảm giá 60%, họ vẫn nói rằng: Thế thì sao? Tôi không cần nên không mua đâu”.

New York & Co đang thanh lý toàn bộ 378 cửa hàng sau khi công ty mẹ phá sản. Ảnh: REX

New York & Co đang thanh lý toàn bộ 378 cửa hàng sau khi công ty mẹ phá sản. Ảnh: REX

Tuần trước, Gap thông báo sẽ đóng 200 cửa hàng. Ascena Retail Group – công ty mẹ của Ann Taylor, Lane Bryant và Justice dự định đóng gần 1.600 cửa hàng trong quá trình phá sản. Chuỗi trung tâm thương mại Lord & Taylor đang thanh lý toàn bộ cửa hàng. Pier 1 Imports, Modell’s, Stage Stores và New York & Co cũng vậy. Tổng cộng, các hãng bán lẻ được dự báo đóng cửa kỷ lục 25.000 cơ sở năm nay, theo Coresight Research.

Thông thường, một đợt bán thanh lý kéo dài trong 9 tuần. Nhưng hiện tại, thời gian này dài hơn 30%, theo Michael McGrail – COO Tiger Group – một trong các công ty quản lý việc thanh lý cho J.C. Penney, New York & Co. và Modell’s cho biết. Dĩ nhiên, thời gian còn tùy thuộc vào loại hàng. Trong mùa dịch, đồ thể thao, nội thất và gia dụng có xu hướng bán nhanh hơn là quần áo, giày dép và trang sức. “Chắc chắn là người tiêu dùng sẽ quay lại, nhưng không phải là 100%”, ông nói.

Một vấn đề khác càng khiến tình hình phức tạp. Đó là hàng triệu người Mỹ đang thất nghiệp. Và kể cả những người có việc làm cũng giảm chi cho hàng hóa không thiết yếu. Doanh số các cửa hàng quần áo đã giảm 37% so với năm ngoái. Trong khi đó, doanh số hàng điện tử, nội thất và đồ dùng gia đình cũng giảm ở mức hai chữ số, theo Bộ Thương mại Mỹ.

Hệ quả là các công ty thực hiện việc thanh lý phải thay đổi. Thay vì trả trước tiền hàng cho các hãng bán lẻ như thông thường, họ chuyển sang mô hình trả phí. Theo đó, các hãng bán lẻ sẽ nhận được một phần tiền sau khi việc bán hoàn tất. Đại dịch cũng khiến họ phải làm thêm nhiều việc khác, như mua đồ bảo hộ, hay tuyển và đào tạo nhân viên cửa hàng.

Ian Fredericks – Phó giám đốc cấp cao tại tập đoàn bán lẻ Hilco Merchant Resources cho biết nhiều nhân viên ngại quay lại làm việc tạm thời, đặc biệt khi họ đã bị cho nghỉ không lương và nhận trợ cấp thất nghiệp. Nhiều người khác thì lo ngại vấn đề an toàn và sức khỏe. Công ty này đã phải tuyển và đào tạo hàng trăm nhân viên cho việc bán thanh lý mùa dịch.

“Chúng tôi ngày càng phải làm việc này nhiều hơn, do các cửa hàng không đủ nhân viên để hỗ trợ khách hàng trong những ngày này. Khi một dự án hoàn tất, chúng tôi có thể chuyển họ sang dự án khác cùng khu vực”, ông nói.

Các sản phẩm thời trang chuyên biệt như vest nam đặc biệt khó bán, kể cả khi giảm nửa giá, Frederick cho biết. Họ còn phải đối mặt với nhiều thách thức nữa. “Mọi người không cần phải ra ngoài nữa. Còn nếu họ đến trung tâm thương mại thì chỉ vì cần mua đồ gì đó đã tính trước. Thời trang chuyên biệt không nằm trong số đó”.

Và dù người Mỹ đang mua sắm online nhiều hơn, việc thanh lý lại không theo kịp xu hướng này. Rất nhiều hãng bán lẻ có website khá cũ, không thể xử lý các đơn hàng mua online lớn hoặc không có lựa chọn mua và đến cửa hàng nhận đồ. Thậm chí, với hãng bán lẻ có hiện diện lớn trên Internet, họ thường không muốn làm tổn hại danh tiếng của mình bằng cách giảm giá lớn trên mạng.

“Có quá nhiều thứ không chắc chắn. Ví dụ anh đang bán thanh lý mà trung tâm thương mại lại đóng cửa chẳng hạn”, Schaye cho biết, “Chúng tôi đang rất khó khăn”.

Cuối tháng 7, nhân viên tại một cửa hàng của Catherines ở Tây Virgina được thông báo công ty mẹ đã nộp đơn xin phá sản và đóng cửa chuỗi thời trang này. Họ ngay lập tức treo biển thanh lý, ban đầu giảm 40% và sau đó đến 95%.

Tuy nhiên, thanh lý mùa dịch có nhiều hạn chế. Chỉ 5 khách hàng được vào một lúc. Nhân viên cũng phải lau dọn quầy thu ngân sau mỗi giao dịch. Phòng thử đồ cũng bị hạn chế, khiến một số người mua phải thử đồ ngay trên sàn.

“Chúng tôi chỉ muốn làm xong việc này thôi”, Lyndsey Fought – nhân viên bán thời gian tại đây cho biết, “Chúng tôi rất buồn khi mất việc sau hơn 2 tháng nghỉ không lương. Rồi cửa hàng lại đóng cửa. Cảm giác không dễ chịu chút nào”.

 

Hà Thu (theo Washington Post)