Các nhà bán hàng Việt Nam có doanh số tăng trưởng mạnh gấp ba lần so với năm 2019.
Hàng nghìn người bán hàng Việt Nam, từ những thương hiệu lớn và có tiếng như cà phê Trung Nguyên, giày Biti’s, đến các nhà sản xuất nội địa hàng đầu như MDK và công ty khởi nghiệp như Andre Gift Shop và Mary Craft, đều đang mở rộng và phát triển kinh doanh trên toàn cầu thông qua Amazon. Trong năm 2020, người bán hàng Việt Nam ghi nhận doanh số vượt mốc một triệu USD, tăng gấp ba lần so với năm 2019.
Đại dịch Covid tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp nhỏ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, kênh bán hàng trực tuyến cũng trở thành lựa chọn an toàn và tiện lợi. Mô hình xuất khẩu truyền thống gồm nhiều thủ tục phức tạp, trong khi thương mại điện tử xuyên biên giới giúp người bán hàng tối ưu hóa quy trình xuất khẩu và tiếp cận khách hàng quốc tế. Từ đó, doanh nghiệp giảm thiểu những khoản đầu tư vào cửa hàng truyền thống, chi phí tìm kiếm và tiếp cận khách hàng mới.
“Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trước tình hình đại dịch tác động tiêu cực đến nền kinh tế, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng dương trong 9 tháng đầu năm 2020. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy rất nhiều sản phẩm made in Vietnam trên các cửa hàng của Amazon toàn cầu đang được khách hàng quốc tế ưa chuộng, nhờ chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh”, ông Gijae Seong, Giám đốc quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ.
Hiện tại, Amazon có hơn 300 triệu tài khoản người mua. Tập đoàn sở hữu 185 trung tâm hoàn thiện đơn hàng, giúp người bán hàng vận chuyển sản phẩm tới khách hàng tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Amazon cũng đầu tư 50 trung tâm hoàn thiện đơn hàng tự động và hơn 200.000 máy móc vận chuyển tự động trên thế giới.
Năm 2019-2020, Amazon chi 30 tỷ USD vào các lĩnh vực hậu cần, công cụ, dịch vụ, chương trình và nhân lực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh doanh của các đối tác bán hàng phát triển kinh doanh. Amazon cũng phát hành hơn 135 công cụ và dịch vụ trong năm 2020 để hỗ trợ người bán hàng trên toàn cầu quản lý và mở rộng kinh doanh, từ đó có thể trực tiếp tiếp cận hơn người mua ở khắp thế giới. Tính năng Fullfilment by Amazon (FBA) giúp người bán lữu trữ sản phẩm trong các kho hàng của Amazon – từ tiếp nhận, đóng gói, vận chuyển đến cung cấp các dịch vụ về sản phẩm cho khách hàng.
Tại Việt Nam, Amazon Global Selling chia sẻ các thông tin về xu hướng mới trong ngành thương mại điện tử xuyên biên giới, tiềm năng và tương lai của hàng made in Vietnam. Công ty hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt cách thức lập cửa hàng, quản lý bán hàng trên Amazon.
Bảo Nhi (Theo BizLive)