Sau một thời gian tập trung vào thương mại điện tử, các thương hiệu lại đang quay lại với cửa hàng truyền thống. Thậm chí cả những thương hiệu vốn chỉ bán qua mạng cũng bắt đầu mở cửa hàng thực địa.

Hồi đầu tháng này, Nike tuyên bố phân phối lại các sản phẩm của mình cho chuỗi cửa hàng Macy’s. Trước đó mối quan hệ hợp tác của hai bên từng tạm ngừng vì Nike muốn dần rời bỏ các cửa hàng thực địa và tập trung vào bán hàng trực tiếp đến khách hàng (Direct to Customer – D2C) qua những kênh thương mại điện tử.

Ngoài Macy’s, Nike còn mở rộng quan hệ đối tác với các nhà bán lẻ thực địa khác như Designer Brands và Foot Locker.

Việc Nike và Macy’s hợp tác trở lại phản ánh được một xu hướng đang lan rộng trong ngành bán lẻ. Đó là các thương hiệu dần quay trở lại với những chiến thuật bán lẻ truyền thống sau thời gian tập trung vào thương mại điện tử và nhận ra mặt khó khăn của nó.

Không chỉ các thương hiệu từng một thời bán trong cửa hàng quay lại với cửa hàng, mà những thương hiệu vốn dĩ được khởi động trên các nền tảng kỹ thuật số trước, chẳng hạn Warby Parker và Allbirds, cũng bắt đầu mở cửa hàng thực địa cho riêng mình.

Xu hướng này phần lớn là do chi phí vận hành cửa hàng kỹ thuật số bắt đầu trở nên khá tốn kém. Những khoản đầu tư như tiếp thị kỹ thuật số, các chiến dịch nhằm thu hút và giữ chân khách hàng trên mạng ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Vậy nên các thương hiệu bắt đầu đánh giá và nhìn nhận lại mô hình hoạt động D2C này.

Nhà phân tích Simeon Siegel của BMO Capital Markets cho rằng việc hạn chế bán buôn và chuyển sang DTC là một phương án gây tổn hại đến công ty, đặc biệt mảng lợi nhuận.

Bất chấp xu hướng này, các nhà quan sát vẫn chưa dám khẳng định chắc chắn về bối cảnh bán lẻ trong những năm tới.

Mộ báo cáo năm 2022 từ Hội đồng Trung tâm Mua sắm Quốc tế cho thấy 94% người mua sắm trong dịp lễ có kế hoạch mua quà cả ở các cửa hàng thực địa lẫn trên cửa hàng trên mạng. Tuy nhiên hơn một nửa số này sẽ mua trực tiếp vì sợ bị giao hàng trễ và chịu phí vận chuyển.

Những nhà bán lẻ lớn như Burlington, Ross Stores và Barnes & Noble cũng đang mở hàng chục địa điểm bán hàng mới.

Tuy nhiên, ở chiều bên kia, một số thương hiệu lại đóng cửa cửa hàng của mình. Trong đó không thể bỏ qua những cái tên cực kỳ lớn như Amazon, Bath & Body Works, Walmart và Foot Locker. Một thống kê cho thấy có hơn 2,100 cửa hàng đang đóng cửa ở Mỹ trong năm 2023 vì phá sản, buôn bán ế ẩm, hoặc chuyển hướng mô hình.

Một nghiên cứu gần đây của UBS dự đoán các cửa hàng bán lẻ sẽ tiếp tục đóng cửa trong vòng 5 năm tới, ước tính 50.000 cửa hàng biến mất vào năm 2028.

Đó là trên thị trường quốc tế. Còn lại Việt Nam, xu hướng hiện nay có vẻ là bỏ thực địa và chuyển lên mạng. Bằng chứng là làn sóng trả mặt bằng đắt đỏ đang phát triển lớn mạnh, khiến hàng loạt mặt bằng tại những con đường sầm uất nhất trở nên trống trải.

Chẳng hạn, dọc theo những con đường như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Phạm Ngũ Lão, v.v. của TP.HCM, người ta thấy hàng loạt bảng quảng cáo cho thuê mặt bằng, nhưng chẳng có ai đến thuê. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Đà Nẵng trên các tuyến như Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng hoặc Lê Duẩn.

Theo phân tích từ các chuyên gia, làn sóng bỏ mặt tiền kinh doanh đắt giá là do nhiều lý do. Trong đó dễ thấy nhất là vì sức mua giảm, khiến doanh nghiệp, thương hiệu không thể gồng gánh nổi. Ngoài ra còn một lý do khác, đó là việc tái cơ cấu môi trường và mô hình bán lẻ, chuyển sang bán trên mạng vì khách hàng cũng đang dần quen với việc mua sắm qua mạng, đặc biệt sau đại dịch.

Tuy nhiên, xu hướng quay về thực địa của các thương hiệu lớn trên thế giới là tín hiệu cho thấy các mặt bằng và cửa hàng thực địa ở Việt Nam cũng sẽ sớm phục hồi trở lại trong thời gian gần.

Nguồn:  https://diendandoanhnghiep.vn/