Dự án Luật Căn cước công dân là nội dung thảo luận chính tại Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh vừa diễn ra sáng ngày 6/5/2014, tại Hà Nội.
Cấp miễn phí thẻ căn cước công dân cho mỗi người dân Việt Nam
Ngày đăng: 07/05/2014 07:27:13
Theo dự thảo tờ trình Chính phủ về dự án Luật này, thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân cho những người dân có quốc tịch Việt Nam.
Bộ Công an, đơn vị soạn thảo dự án dự tính những công dân sinh từ ngày 1/1/2016 sẽ được UBND xã, phường, thị trấn cấp thẻ căn cước công dân có số định danh cá nhân ngay khi làm thủ tục khai sinh. Với những người sinh trước ngày 1/1/2016 và sinh từ ngày 1/1/2016 nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh thì sẽ được cấp số định danh cá nhân khi làm thẻ căn cước công dân.
Thẻ căn cước công dân sẽ có giá trị thay thế cả chứng minh thư nhân dân và hộ khẩu.
Số định danh cá nhân trên thẻ căn cước công dân là mã số công dân gồm 12 số tự nhiên, được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc, cùng với một số thông tin cơ bản như họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc… Mỗi mã số công dân được cấp cho một công dân duy nhất, không trùng lặp với công dân khác. Trường hợp cấp lại hoặc đổi thẻ căn cước công dân sẽ vẫn giữ đúng số định danh cá nhân đã cấp. Trên thẻ căn cước công dân cũng có thông tin về nơi thường trú của công dân. Sau này, khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân vào thẻ căn cước công dân thì sẽ tiến tới bỏ sổ hộ khẩu.
Đối với những công dân dưới 15 tuổi, trên thẻ căn cước công dân chỉ có thông tin về số định danh cá nhân và các thông tin về nhân thân mà chưa có thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay vì đặc điểm nhân dạng, vân tay vẫn chưa ổn định. Khi những công dân này đến 15 tuổi sẽ làm thủ tục đổi thẻ căn cước công dân, trong đó bổ sung thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay.
Về thời hạn sử dụng của thẻ căn cước công dân, với người dưới 15 tuổi thì thời hạn sử dụng là từ khi cấp đến khi đủ 14 tuổi. Với người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi thì thời hạn là 10 năm kể từ ngày cấp. Với người từ đủ 25 tuổi đến dưới 70 tuổi, hạn sử dụng của thẻ là 15 năm kể từ ngày cấp. Riêng với người từ 70 tuổi trở lên thì không xác định hạn sử dụng của thẻ.
Công dân sẽ được miễn phí cấp thẻ căn cước công dân lần đầu và chỉ phải nộp lệ phí nếu cấp đổi hoặc cấp lại thẻ căn cước công dân (mức lệ phí cụ thể sẽ do Bộ Tài chính ban hành). Thủ tục cấp lại hoặc đổi thẻ cũng đơn giản hơn rất nhiều so với việc cấp lại, đổi chứng minh thư nhân dân. Cụ thể, người dân chỉ cần có đơn xin cấp lại hoặc đổi thẻ căn cước công dân, không cần xác nhận của công an xã, phường, thị trấn vì mọi thông tin về công dân đã được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Dự kiến chậm nhất từ ngày 1/1/2020, việc cấp thẻ căn cước công dân được triển khai đồng bộ trên toàn quốc. Sau khi hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân sẽ được gắn chip để trở thành thẻ công dân điện tử, giúp người dân loại bỏ khá nhiều loại giấy tờ tùy thân khi tham gia các giao dịch trong đời sống hàng ngày.
Để phục vụ công tác quản lý căn cước công dân, Bộ Công an đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu căn cước công dân, đang từng bước cập nhật thông tin căn cước công dân vào cơ sở dữ liệu. Riêng tại Hà Nội, Công an Thành phố cũng triển khai dự án điện tử hóa tàng thư căn cước công dân, tổ chức thu thập, cập nhật dữ liệu căn cước công dân để phục vụ công tác quản lý căn cước, hiện đã đưa vào sử dụng để tra cứu, xác minh thông tin cá nhân.
Theo ICTNews