Chi phí logistics của Việt Nam hiện nay còn khá cao so với các nước trong khu vực, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức cạnh tranh của các DN và hàng hóa Việt Nam. Giải quyết hàng loạt “điểm nghẽn” về cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách… là giải pháp quan trọng giúp kéo giảm chi phí logistics, từ đó tạo sức bật cho DN, hàng hóa Việt thời gian tới.

Chi phí logistics cao đang gây ảnh hưởng lớn tới sức cạnh tranh của hàng Việt.            Ảnh: N.Linh

Chi phí logistics chiếm gần 21% GDP

Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 với chủ đề “Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” (diễn ra sáng 26/11, tại Hà Nội), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá, thời gian qua, những nỗ lực từ phía Chính phủ và bộ, ngành đã đem lại nhiều thay đổi tích cực cho ngành logistics Việt Nam. Chỉ số Hiệu quả Logistics gần đây nhất xếp Việt Nam ở thứ hạng 39/160 quốc gia. Đây là thứ hạng tốt nhất mà Việt Nam từng đạt được kể từ năm 2007 và cao thứ ba trong khu vực Đông Nam Á.

Logistics cũng đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14-16%/năm.

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cũng chỉ rõ, sự phát triển của ngành logistics trong nước vẫn gặp phải rất nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là vấn đề chi phí dịch vụ logistics còn cao.

Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu uy tín Armstrong & Associates (Hoa Kỳ), chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore, cao gần gấp hai lần so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%. Trong chi phí logistics tại Việt Nam, chi phí vận tải quá cao, tương đương 30-40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều này làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các DN Việt Nam.

Hóa giải nhiều “điểm nghẽn”

Liên quan tới phát triển ngành logistics, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đánh giá, thời gian qua bên cạnh những kết quả đạt được, ngành logistics Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao. Điều này làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Nguyên nhân cơ bản là do công tác quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực vẫn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn hạn chế, việc kết nối với các nước trong khu vực còn chậm; sự kết hợp giữa thương mại điện tử và logistics chưa thực sự hiệu quả.

Phó Thủ tướng cũng đề cập tới góc độ, năng lực cạnh tranh của các DN kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Đáng chú ý, Việt Nam chưa có các DN lớn, cung ứng đồng bộ các dịch vụ logistics; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ông Vũ Tiến Lộc đã phân tích kỹ lưỡng ở góc độ DN, sự kết nối của DN trong nước với các DN nước ngoài còn khá lỏng lẻo. Thị phần dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn do các DN lớn của nước ngoài nắm giữ, DN trong nước chỉ có khoảng 25% thị phần. Đáng lưu ý, DN logistics trong nước am hiểu thị trường và thị hiếu của khách hàng, nhưng chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, với năng lực không đồng đều và đi sau các DN FDI về trình độ công nghệ. “Chính vì thế, việc tăng cường kết nối và xây dựng mạng lưới hợp tác với DN FDI là cần thiết để “khơi thông dòng chảy” logistics, thông qua học hỏi các công nghệ mới cũng như thúc đẩy việc hình thành các dịch vụ môi giới, trung gian trong ngành logistics”, ông Lộc nhấn mạnh.

Làm sao để thực sự cắt giảm được chi phí logistics thời gian tới? Trả lời cho câu hỏi này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, cần một kế hoạch vừa cụ thể, vừa tương đối bao quát, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Trước hết đó là hệ thống về hạ tầng, về cơ sở vật chất cần được nâng cấp, hoàn thiện; đặc biệt là sự kết nối giữa những phương thức vận tải cần được cải thiện, để tránh việc dồn quá nhiều vào một phương thức vận tải như đường bộ, trong khi đó không khai thác hiệu quả được các phương thức khác như đường sắt, đường thủy.

“Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện về hệ thống pháp luật, các cơ chế chính sách thúc đẩy cho dịch vụ logistic phát triển. Mặt khác, bản thân DN logistics cũng cần có kế hoạch của mình để chủ động nâng cấp dịch vụ, đáp ứng được chất lượng theo đúng yêu cầu của khách hàng, qua đó phát triển thị trường trong nước và nước ngoài. Đáng chú ý, yếu tố về sự liên kết giữa các DN logistic khá cần thiết khi mà đa số các DN trong ngành này đều nhỏ và sự liên kết hiện nay vẫn còn đang rất rời rạc, chưa tạo nên sức mạnh tập thể để cùng phát triển. Về yếu tố này, vai trò của các hiệp hội, chính quyền địa phương là rất cần thiết”, ông Trần Thanh Hải nói.

Để thúc đẩy vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của ngành logistics trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án kiện toàn bộ máy nhân sự phù hợp cho bộ phận đầu mối giúp việc Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa Quốc gia và tạo thuận lợi thương mại để triển khai nhiệm vụ điều phối và phát triển logistics quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, phát huy mạnh mẽ hiệu lực, hiệu quả của cơ chế liên ngành, phối hợp từ Trung ương đến địa phương để kịp thời tái cơ cấu chuỗi cung ứng, dịch vụ logistics quốc tế và trong nước sau khi chấm dứt đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu hỗ trợ DN trong quá trình triển khai các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của DN về các vấn đề chính sách và thực thi các Hiệp định Thương mại tự do; giúp DN tham gia hội nhập và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN ngày càng phát triển, thực sự là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế. “Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng cần có sự phối hợp nhịp nhàng hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động logistics; đặc biệt là trong nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực logistics để sẵn sàng thích ứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

 

Thanh Nguyễn (Theo Báo Hải Quan)