Thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1073/2010/QĐ-TTg ngày 12/7/2010 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 – 2015, năm 2012 là năm đầu tiên VECOM xây dựng Chỉ số TMĐT với mong muốn hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhanh chóng đánh giá một cách định lượng tình hình ứng dụng TMĐT trên phạm vi cả nước cũng như tại từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) được xây dựng dựa trên bốn nhóm tiêu chí lớn là nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giao dịch thương mại điện tử doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giao dịch thương mại điện tử doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước tới doanh nghiệp (G2B). Trên cơ sở điều các doanh nghiệp khắp cả nước, VECOM đã sử dụng phương pháp đánh giá sự sẵn sàng ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) của Trung tâm Phát triển Quốc tế thuộc Đại học Havard để xây dựng chỉ số cho từng tỉnh.
Đại diện VECOM trao chứng nhận EBI hạng nhất cho Sở Công Thương TP.HCM
Chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin được tính toán dựa trên các tiêu chí như số lượng máy tính, hình thức kết nối Internet, tỷ lệ cán bộ sử dụng email thường xuyên, nguồn nhân lực hiện tại đã đáp ứng thế nào đối với việc triển khai công nghệ thông tin (CNTT) và TMĐT của doanh nghiệp, doanh nghiệp có khó khăn khi cần tuyển dụng lao động có kĩ năng về CNTT và TMĐT hay không, các hình thức đào tạo… Các thành phố dẫn đầu về chỉ số này đều là những trung tâm kinh tế và đào tạo của đất nước như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Chỉ số giao dịch TMĐT B2C được xây dựng dựa trên các tiêu chí như mức độ sử dụng email trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng và vận hành website của doanh nghiệp, hiệu quả tham gia sàn thương mại điện tử, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, chính sách bảo vệ thông tin cá nhân. Những địa phương dẫn đầu về chỉ số này là Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng.
Chỉ số giao dịch B2B dựa trên các tiêu chí sử dụng và triển khai các phần mềm lập kế hoạch nguồn lực (ERP), quản trị quan hệ khách hàng (CRM), quản lí hệ thống cung ứng, giao kết hợp đồng trực tuyến, hiệu quả từ giao dịch trực tuyến. TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai và Đà Nẵng là những địa phương xếp hạng cao nhất về chỉ số này.
Cuối cùng, chỉ số giao dịch G2B được tính toán dựa trên mức độ doanh nghiệp thường xuyên tra cứu thông tin trên các webiste của cơ quan nhà nước, tình hình sử dụng dịch vụ công trực tuyến liên quan tới hoạt động thương mại, tìm kiếm thông tin đấu thầu và khả năng trúng thầu thông qua các website của cơ quan Nhà nước… Thành phố Đà Nẵng và TP.HCM là hai địa phương đứng đầu về chỉ số này. Ba địa phương tiếp theo là Hà Nội, Hải Phòng và Bình Dương.
Tổng hợp chung tất cả các tiêu chí cho thấy TP.HCM là địa phương đứng thứ nhất, tiếp đó là Hà Nội và Đà Nẵng.
Chi tiết Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2012 và xếp hạng của các địa phương có tại www.ebi.vecom.vn hoặc download tại đây