Năm 2018 là năm của ngành thương mại điện tử của châu Á khi nó trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế phát triển nhanh nhất của cả khu vực.

 

Trong ba năm qua, thương mại điện tử (TMĐT) là lĩnh vực nổi bật nhất của nền kinh tế số với phần đóng góp gần 11 tỉ đô la Mỹ tổng giá trị giao dịch (gross merchandise value – GMV) trong năm 2017 và con số này tăng lên 23 tỉ đô la trong năm 2018.

 

Để so sánh, năm 2015, quy mô của ngành chỉ đạt 5,5 tỉ đô la và tăng gấp bốn lần kể từ đó thể hiện tốc độ tăng trưởng gộp hằng năm (CAGR) là 62% trong giai đoạn này.

 

Trong số các động lực chính của sự gia tăng trong lĩnh vực thương mại điện tử của khu vực là sự hiện diện của các cổng mua sắm như Lazada thuộc sở hữu của Alibaba, Shopee và Tokopedia. Về quy mô các sàn thương mại điện tử này đã đát mức tăng trưởng gấp bảy lần kể từ năm 2015 và dẫn dắt cuộc chơi về thương mại điện tử ở khu vực.

 

Ma lực của các trang web này đối với người tiêu dùng được thể hiện sinh động nhất trong sự kiện mua sắm Ngày Độc thân 11.11 năm ngoái 2018 được tổ chức ở cả sáu quốc gia mà nó hoạt động gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam.

 

Theo Lazada, trong ngày 11-11 đó có hơn 20 triệu người tiêu dùng đã vào trang web của Lazada và mua sắm. Lazada Malaysia báo cáo rằng họ đã vượt qua kỷ lục doanh số năm 2017 chỉ trong chưa đầy chín giờ đồng hồ và lượng giao dịch diễn ra trên trang web trong mỗi phút là hơn 3.000 giao dịch.

Người ta nói rằng một trong những lý do lớn nhất khiến mua sắm trực tuyến trở nên rất phổ biến rộng hơn trong khu vực là do tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển. Một tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh có nghĩa là mức thu nhập khả dụng cao hơn dẫn đến khả năng chi tiêu của người tiêu dùng tăng cao hơn. Cùng với dân số trẻ và tỷ lệ thâm nhập của Internet ngày càng tăng, không có gì lạ khi ai đó nói ví von rằng, thương mại điện tử ở Đông Nam Á như bầu trời rực sáng và cuốn hút.

 

Sự tăng trưởng về quy mô hoạt động và doanh thu của ngành thương mại điện tử cũng làm lộ ra những điểm nghẽn trong hoạt động thương mại điện tử cần giải quyết, như thanh toán điện tử và vận chuyển hàng hóa trong lĩnh vực này. Viễn cảnh của một tương lai gần với việc ứng dụng thực tế của mạng di động tốc độ cao 5G, blockchain, IoT, dữ liệu… vừa như cho thấy tiềm năng khai thác thương mại ở ngành này còn quá lớn vừa khẳng định sự thách thức chưa bao giờ dễ dàng trong việc tìm ra các phương thức phù hợp cho một nền thương mại điện tử xuyên biên giới bên cạnh thương mại điện tử nội địa với những nét đặc thù của từng quốc gia trong khu vực.

Thương mại điện tử năm 2019

 

Với thương mại điện tử liên tục gặt hái mức lợi nhuận kỷ lục, lĩnh vực này sẽ đóng một vai trò có giá trị trong nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực. Trong một bản nghiên cứu chung của Google và Temasek, nền kinh tế Internet của Đông Nam Á dự kiến sẽ trị giá hơn 240 tỉ đô la vào năm 2025, nhiều hơn 40 tỉ đô la so với dự kiến đầu tiên vào năm 2018. Đến năm 2025, thương mại điện tử được dự đoán là có giá trị 102 tỉ đô la – chiếm hơn 40 phần trăm tổng giá trị của nền kinh tế Internet của khu vực.

 

Khi thương mại điện tử tiếp tục phát triển, dự kiến các chính phủ ở Đông Nam Á sẽ muốn có một miếng bánh. Một số chính phủ đã nghiền ngẫm ý tưởng đánh thuế các giao dịch thương mại điện tử vào năm 2018 và sẽ không ngạc nhiên nếu nói đến kết quả trong năm 2019 này.

 

Thái Lan đã thực hiện nó vào năm ngoái bằng cách tính thuế giá trị gia tăng đối với mua hàng thương mại điện tử. Tại Indonesia, Chính phủ yêu cầu người kinh doanh trực tuyến phải đăng ký mã số thuế. Đáng ngạc nhiên, Singapore vẫn chưa công bố thuế kỹ thuật số hoặc thuế đối với thương mại điện tử nhưng một số nhà quan sát tin rằng đây chỉ là vấn đề thời gian.

 

Theo tờ The AseanPost, sự cạnh tranh giữa các công ty thương mại điện tử lớn cũng dự kiến sẽ nóng lên trong năm 2019 này. Những công ty lớn như Lazada, Shopee và những công ty thương mại điện tử khác sẽ tranh giành miếng bánh thị phần ở tất cả các thị trường trong khu vực.

 

Điều đó có nghĩa là, thương mại điện tử sẽ theo chân những “chiến binh” này thâm nhập rộng hơn, từ thành phố, khu đô thị lớn ra các khu độ thị, thành phố hạng hai và tiến về nông thôn – nơi mà sự hiện diện của thương mại điện tử còn rất hiếm hoi đồng thời cũng được dự báo là những nơi mang lại cho các công ty kinh doanh thương mại điện tử, các công ty khởi nghiệp thương mại điện tử, nhà cung cấp dịch vụ mạng di động triển vọng doanh số đáng mơ ước.

 

Lazada và Shopee là những người khổng lồ trong cuộc chiến thương mại điện tử và có số vốn lớn để chi tiêu cho việc nắm bắt các thị trường khác nhau so với các công ty khởi nghiệp địa phương còn non trẻ. Điều này có thể là một sự trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương muốn tham gia vào thị trường thương mại điện tử.

Theo The AseanPost/TBVTSG