Sở thích của người tiêu dùng châu Á đang thay đổi nhanh nhất thế giới, tạo ra rất nhiều cơ hội cho DN.
Ảnh minh họa.
Tại Hội nghị Kết nối khách hàng và nhà cung ứng nước ngoài với DN, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức, các chuyên gia đánh giá, tầng lớp trung lưu châu Á đang lớn mạnh và tiến bộ nhanh chóng về công nghệ, đang là số đông người tiêu dùng hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống. Xu hướng này ảnh hưởng lớn đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng, và cũng là cơ hội cho DN nắm bắt để đầu tư đúng hướng.
Ông David Anjoubault – Tổng Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam cho biết, có bốn xu hướng lớn nhất trong tiêu dùng sẽ chi phối thị trường châu Á năm 2018.
Thứ nhất, là ưu tiên cho các giải pháp di động, bởi châu Á có số người sử dụng điện thoại di động nhiều hơn các khu vực khác; Tỷ lệ tăng trưởng trong lĩnh vực di động cũng cao nhất thế giới. Người tiêu dùng trẻ ở những nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam… luôn nhìn nhận những DN mang lại giải pháp di động cho khách hàng là DN tiên tiến. Vì vậy họ thích lựa chọn mua sắm hàng hóa, kênh bán lẻ hay dịch vụ của DN này hơn.
Nhiều chương trình tivi trong khu vực đang dần chuyển sang các nền tảng trực tuyến như YouTube và các trang mạng chuyên về video, vì hiểu rằng khán giả của họ đang dần xa lánh truyền hình. Người tiêu dùng ở khu vực này cũng đặc biệt thích xem và chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ qua mạng xã hội từ điện thoại di động. Thế nên cũng dễ hiểu vì sao các DN thương mại điện tử trong khu vực đang tập trung nỗ lực vào nền tảng di động (như Lazada-trang mua sắm hàng đầu tại Đông Nam Á).
Ngoài ra, người tiêu dùng châu Á ngày nay nhạy cảm hơn với tính thẩm mỹ của bao bì sản phẩm. Họ thích chọn những món hàng có bao bì hữu ích, dễ thương. Bao bì đẹp cũng là một lý do để họ chia sẻ sản phẩm nào đó với bạn bè. Có thể nhìn thấy sự thành công từ xu hướng này của những thương hiệu toàn cầu như Coca-Cola, với việc in tên riêng trên bao bì, hay thiết kế những biểu tượng đồ họa đã giúp thương hiệu này chiếm được cảm tình của những khách hàng trẻ. Việc tự chăm sóc bản thân, giải tỏa stress đang dần trở thành một xu hướng của thị trường châu Á. Xu hướng này sẽ tiếp tục mạnh lên trong năm 2018.
Áp lực cao hơn trong công việc và học tập làm cho nhiều người tìm cách giải tỏa stress. Nhiều người tiêu dùng trẻ tại khu vực này chủ động tìm kiếm những món hàng, dịch vụ có thể mang lại cho họ niềm vui và sẵn sàng chi thêm tiền nếu điều đó làm họ cảm thấy hạnh phúc.
Bên cạnh đó, năm 2018, người tiêu dùng khắp châu Á sẽ tìm kiếm những dịch vụ, không gian để có thể được là chính mình, việc khám phá đam mê và làm việc sẽ mang lại niềm vui. Xu hướng này là kết quả từ sự phát triển của mạng xã hội. Nhiều người dùng các kênh mạng xã hội để thể hiện bản thân, cá tính.
Khảo sát của Kantar Worldpanel cho thấy, có đến 73% người tiêu dùng Trung Quốc trong lứa tuổi từ 19 – 25 tuổi quan tâm đến hạnh phúc và trải nghiệm cá nhân nhiều hơn chuyện kiếm tiền. Nhu cầu tự tay làm lấy (DIY – Do it yourself) của nhiều người tiêu dùng châu Á cũng tăng lên, và các ứng dụng dành cho “chợ trời” và hàng thủ công ở Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam… bùng nổ.
Cuối cùng, là xu hướng ứng dụng kết hợp trí tuệ nhân tạo. Sự giàu lên của một bộ phận người dân, khiến họ tìm đến những ứng dụng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, kể cả công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Minh chứng cho điều này là sự thành công của các ứng dụng theo dõi giấc ngủ Sleep Meister (ở Nhật) và Snail Sleep (Trung Quốc).
Cả hai ứng dụng này đều phân tích dữ liệu giấc ngủ và đưa ra những đề xuất giúp người dùng cải thiện thói quen liên quan đến giấc ngủ để có được chất lượng sống tốt hơn. Năm 2018 hứa hẹn sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa các ứng dụng theo dõi và hỗ trợ cải thiện sức khỏe.
Những xu hướng tiêu dùng mới này của người dân châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong thời gian tới. Nhìn toàn cảnh có thể thấy, người tiêu dùng đang kỳ vọng sẽ đón nhận nhiều hơn nữa sự tích hợp công nghệ vào đời sống hàng ngày của họ. Vì vậy, DN phát triển công nghệ tiên tiến vào kinh doanh sẽ được biết đến nhiều hơn.
Thanh Trà (Theo Thời báo Ngân hàng)