Thực tế đã cho thấy thời gian gần đây, Facebook không còn giữ vị trí độc tôn trên chiến trường mạng xã hội. Cuộc chơi đang xoay chuyển.
Khi người khổng lồ bắt đầu yếu thế
Chúng ta ngày càng online nhiều hơn, nhu cầu dùng mạng xã hội vẫn liên tục tăng, nhưng thời gian đọc tin lại càng ngắn, lý do đơn giản vì số thời gian đó phải xé nhỏ cho một lượng bội thực các loại thông tin từ tin bán hàng, khuyến mại, quảng cáo, tin tức… trong khi chỉ có vài phần trăm trong số đó là thật sự hữu ích. Mà chúng ta thì luôn có nhiều nhu cầu chia sẻ và nhận thông tin từ các mối quan tâm khác. Với một đế chế hơn một tỷ người, người khổng lồ mười năm tuổi Facebook đã vươn tay tới mọi ngóc ngách của mạng xã hội, với đủ các tính năng từ nhắn tin, trang cá nhân, trang cộng đồng, quảng cáo, truyền thông. Tất tần tật mọi thứ tại một nơi. Mô hình tuyệt vời này trước đây là hình mẫu cho rất nhiều các mạng xã hội khác đi theo. Nhưng nhu cầu của người dùng thì không bao giờ dừng lại, chúng ta muốn chia sẻ nhiều hơn, nhận nhiều thông tin hơn từ những nguồn tin cậy hơn, và quan trọng nhất là nó phải liên quan đến chúng ta.
Anh minh họa: Facebook và tương lai cho Thương mại điện tử
Câu chuyện còn được đẩy lên cao trào hơn nữa sau khi điện thoại di động lên ngôi. Người dùng bắt đầu tìm kiếm những ứng dụng có thể mang đến cho họ những thông tin liên quan nhất và nhanh nhất. Đây là lúc khái niệm tất cả trong một bắt đầu bộc lộ tính không phù hợp, thay vào đó người dùng bắt đầu sử dụng những mạng xã hội chuyên biệt, nhắm vào một nhóm đối tượng, cung cấp một loại thông tin hay xử lý một loại vấn đề nào đó mà liên quan nhất đến họ. Hãy tưởng tượng bạn tán gẫu với bạn bè qua Zalo, nhắn tin với đồng nghiệp qua Facebook Messenger, chat với người chơi game di động khác qua một mạng xã hội game thủ như onClan, đối tác của bạn qua mạng xã hội doanh nghiệp như LinkedIn. Cơ bản đó sẽ là bức tranh chúng ta thấy trong tương lai gần. Thậm chí đã có rất nhiều người dùng đang trong tư thế sẵn sàng rời bỏ mạng xã hội truyền thống khi có một tiếng gọi hợp lý từ một mạng xã hội ngách liên quan. Truyền thông xã hội sẽ dần xé nhỏ ra từng phần riêng biệt khi người dùng tìm kiếm những cộng đồng “chất”, chuyên biệt và gần với họ nhất. Đây là lúc để ứng dụng di động mạng xã hội ngách nổi lên, lấp vào chỗ trống mà người khổng lồ tạo ra.
Những ứng dụng tiên phong
Những kẻ tiên phong đón đầu xu thế và đưa cho người dùng chính xác những cái họ cần. Đó là cơ hội được chia sẻ và nhận thông tin đến một nhóm đối tượng cực liên quan mà họ nằm trong đó.
Sự yếu thế của những người khổng lồ bắt đầu để hở nhiều lỗ hổng và ngóc ngách cho các ứng dụng mạng xã hội len lỏi, mang lại một số trải nghiệm để làm mới thế giới mạng xã hội. Một số đi theo hướng này cũng đã gặt được ít nhiều thành công và thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng. Không khó để nêu một số cái tên nổi tiếng trên thế giới thời gian gần đây như: Secret, Whisper – mạng xã hội ẩn danh, Shots, We Hear It – mạng xã hội ảnh, SnapChat – mạng chia sẻ tự hủy sau 24 giờ, Vine – mạng xã hội video 7 giây,… Không sai khi nói rằng, dù bạn là kiểu người nào thì luôn có một mạng xã hội ngách dàng cho bạn, từ người chơi game, doanh nhân, nội trợ, trẻ em, bố mẹ, đến cả thú nuôi cũng có mạng xã hội, ví dụ: Horsebook, SmellMe.
Ngay cả Foursquare cũng đã thay đổi tính năng, còn cho ra mắt một ứng dụng thứ 2, Swarm để khai thác sự khác biệt. Facebook cũng thể hiện sự bắt nhịp xu thế với việc ra mắt Nearby Friends, và vẫn tách rời Instagram và Whatsapp khỏi ứng dụng chính Facebook, thậm chí còn bắt người dùng phải dùng Facebook Messenger để gửi nhận tin nhắn. Tất cả để đảm bảo sự khác biệt và mang đến trải nghiệm chuyên biệt cho một nhóm đối tượng cụ thể.
Tại Việt Nam, cũng đã có một số cái tên bắt đầu đi theo xu thế này. Trong đó nhiều người dùng nhất là iAvatar – game mobile mạng xã hội của Tea Mobi. Ngoài ra còn cố những cái tên khác như: ePlay – mạng xã hội chia sẻ game/app mobile, onClan – mạng xã hội cho game thủ trên di động, Mobo – mạng xã hội chia sẻ game online, Umbala (trước đây là Ubox) – mạng xã hội kết nối trên sở thích. Trong số đó ePlay và onClan là đã ra mắt và hoạt động trơn tru. Ngoài Wala có vẻ đang bị dừng lại, thì các mạng xã hội di động khác đều đang phát triển hoặc chưa thể hiện động tĩnh đáng kể trên thị trường.
Chỗ đứng cho mạng xã hội ngách trên di động tại Việt Nam
Việt Nam hiện tại, bên cạnh những đại gia Facebook, Twitter, Google+, còn có các mạng xã hội nội địa như Yume, GoOnline và nổi trội nhất là Zing Me, tuy nhiên các mạng xã hội Việt gần như hoàn toàn mờ nhạt mà một nguyên nhân chính dẫn đến sự lép vế trước các đại gia, đó là rất thiếu sự sáng tạo. Sẽ không dễ dàng để một mạng xã hội Việt có thể đánh bật các ông lớn đó, bởi vậy ứng dụng ngách trên di động có lẽ là điểm khác biệt duy nhất mà mạng xã hội Việt có thể tạo ra đủ sức để cạnh tranh các ông lớn trên.
Ảnh minh họa: Chỗ đứng cho mạng xã hội ngách trên di động tại Việt Nam
Trong số những mạng xã hội ngách của Việt Nam, onClan là ứng dụng khá nổi bật nhắm tới thị trường thế giới khi hướng tới kết nối tất cả game thủ mobile trên toàn cầu. Mô hình của onClan kết hợp Game Center và Facebook, nhưng mở rộng phạm vi giao tiếp bao gồm gợi ý tìm bạn, kết bạn, trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm giữa các game thủ và mở rộng không gian ra cả game offline. Thêm vào đó, ứng dụng này có vẻ như đang được đầu tư nhiều nhất và hoạt động ổn định nhất so với các ứng dụng ngách hiện có trên thị trường của Việt Nam. Về cơ bản, onClan cũng cung cấp những tính năng của mạng xã hội như gửi nhận tin nhắn, kết bạn, chia sẻ nội dung. Nhưng thêm vào đó, ứng dụng này cung cấp cho game thủ cơ hội chia sẻ kinh nghiệm chơi game, kết hợp bang nhóm trong game, và điểm đặc biệt là tính năng ẩn danh, chính xác là những gì game thủ mong muốn.
Bên cạnh onClan còn một số ứng dụng ngách khác như ePlay, Mobo,.. những cái tên này có tạo được sự khác biệt mang tính đột phá hay thành công trên đấu trường thế giới hay không thì còn là câu chuyện của nhiều tháng nữa. Tuy vậy, cũng đáng để mong chờ những ứng dụng Việt Nam tiên phong mở đường cho trào lưu mới mẻ này. Dù sao kỷ nguyên mobile mới chỉ bắt đầu và ở Việt Nam thì lại càng mới, cơ hội vẫn còn vô vàn ở phía trước, nhưng trên hết là phải biết đón nhận xu thế và hành động.
Tổng hợp theo Techinasia