Đóng cửa hàng loạt vì ế ẩm

Gần đây, báo chí đã phản ánh việc hàng loạt tiểu thương tại trung tâm thương mại Cái Khế đồng loạt phải đóng cửa vì ế ẩm. Đây trở thành một hiện tượng khi từng là nơi buôn bán sầm uất nhất thành phố Cần Thơ. Sự kiện này càng cho thấy tình cảnh khó khăn của mô hình chợ truyền thống trên cả nước nói chung khi đối mặt với suy giảm kinh tế cũng như phải cạnh tranh với nhiều mô hình kinh doanh khác.

Số liệu của Nielsen năm 2020 cho biết Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần và đạt doanh thu trên dưới 10 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, chợ truyền thống nhiều năm qua đã đuối sức trước cuộc cạnh tranh với các mô hình siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Nay tiếp tục phải cạnh tranh với sàn thương mại điện tử, các nền tảng bán hàng trực tuyến qua mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube…, nhiều chợ truyền thống trở nên đìu hiu, tiểu thương phải đóng cửa, bỏ sạp ngay mùa mua sắm.

Tại TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết thành phố có 233 chợ truyền thống, trong đó 224 chợ đang hoạt động và 9 chợ tạm ngưng chờ nâng cấp, sửa chữa…

Số chợ nhiều nhưng lượng khách đến mua sắm giảm 30-50% so với năm 2019, thời điểm trước khi COVID-19 bùng phát. Bị ảnh hưởng nặng nề là các mặt hàng thực phẩm, đồ dùng gia đình, quần áo, giày dép, “thảm” nhất là ngành vải khi mất tới 90% lượng khách hàng.

“Kinh tế vẫn chưa thể phục hồi nên nhiều khách hàng cắt giảm chi tiêu. Ế ẩm đang là tình hình chung của nhiều chợ. Khách rất vắng từ Tết tới nay chưa biết đến bao giờ mới hồi phục trở lại”, bà Chi, tiểu thương quầy mứt kẹo chợ Bến Thành, cho hay. Giải pháp của bà Chi là tạm đóng cửa sạp và bán hàng tại nhà cho những khách quen.

Ngoài lý do kinh tế khó khăn, xu hướng tiêu dùng của người dân đã có nhiều thay đổi theo hướng chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa có nguồn gốc sản xuất rõ ràng. Người tiêu dùng không chỉ muốn mua sản phẩm mà muốn kết hợp dịch vụ hoàn hảo hơn. Những hàng hóa khi cung ứng ra thị trường, người tiêu dùng luôn đặt câu hỏi có những dịch vụ gì kèm theo. Các chợ không đảm bảo được các yếu tố này dễ dàng mất khách trong cuộc đua với siêu thị, trung tâm thương mại. Chưa kể, các siêu thị, trung tâm thương mại, thương mại điện tử… luôn có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn để thu hút khách hàng và nhanh chóng đè bẹp các tiểu thương ở chợ.

Chờ “cuộc cách mạng” toàn diện

“Để khắc phục tình trạng này, trước hết cần phải thay đổi mô hình chợ, nâng cao chất lượng phục vụ, hình thành chính sách thu hút đầu tư để huy động sự tham gia của xã hội vào sự phát triển của hệ thống chợ tại TP.HCM nói chung và tại quận 1 nói riêng”, ông Phương cho biết.

Các chợ truyền thống cũng đứng trước yêu cầu phải cải tạo, chỉnh trang để tạo không gian mới sạch sẽ, khang trang, tăng trải nghiệm mua sắm cho người dân và du khách. Ngoài ra, các chợ triển khai kết hợp bán hàng với các chương trình khuyến mại hoặc hoạt động sự kiện để tăng độ nhận biết, quảng bá hình ảnh nhằm thu hút khách hàng, song song với việc tập trung đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thái độ phục vụ bán hàng văn minh, lịch sự…

Để đổi mới hoạt động của chợ truyền thống, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho biết, trong định hướng phát triển hệ thống chợ đến năm 2030, thành phố sẽ giảm số lượng chợ còn 216 (giảm 17 chợ), trong đó 199 chợ sẽ được giữ nguyên hiện trạng, 34 chợ sẽ được giải tỏa, di dời, chuyển công năng và 17 chợ mới sẽ được phát triển.

Đáng chú ý, sau thành công của hình thức bán hàng livestream ở chợ Bến Thành, nhiều chợ đầu mối, chợ sỉ có quy mô lớn tại TP.HCM như An Đông, Tân Bình, Tân Định… cũng đang tìm cách áp dụng hình thức này để hỗ trợ tiểu thương bán hàng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó trưởng Ban Quản lý chợ An Đông, cho biết tại đây đang đẩy mạnh các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số của chợ như quảng bá các sản phẩm qua kênh YouTube, TikTok của những người nổi tiếng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt… để tạo thuận lợi cho tiểu thương cũng như thu hút khách đến mua sắm.

Để giúp bà con tiểu thương tăng tính cạnh tranh hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng cần chính sách dài hơi và tổng thể hơn liên quan đến hỗ trợ tài chính, giảm thuế, tiền thuê mặt bằng, điện nước… Qua đó, tiểu thương và các chợ truyền thống có thể tạo ra “cuộc cách mạng” trong việc thu hút khách hàng trở lại. Sự đi xuống của chợ truyền thống đặt ra nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội và cả đời sống văn hóa. Trên thế giới, các khu chợ truyền thống vẫn nhộn nhịp khi trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. “Thực tế, trong định hướng phát triển, TP.HCM cũng đang tập trung sửa chữa, nâng cấp, duy tu, bảo tồn những chợ có giá trị lịch sử, văn hóa để đáp ứng nhu cầu trao đổi mua bán của người dân, kết hợp phát triển du lịch”, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết.

Chẳng hạn, những chợ ở khu vực trung tâm TP.HCM là di tích văn hóa, là biểu tượng của thành phố, là điểm đến du lịch không thể bỏ qua khi đến đây, trong đó nổi bật là chợ Bến Thành. Do vậy, cần cơ cấu lại ngành hàng ở các chợ cho phù hợp, làm nổi bật các ngành hàng đặc trưng, nhất là khu vực bao quanh mặt tiền chợ ở các hướng để tạo điểm nhấn, ấn tượng cho du khách.

Theo đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, trong quá trình cải tạo, nâng cấp, chợ truyền thống cần gắn với phát triển du lịch, kinh tế đêm. Vấn đề thiết kế các mô hình chợ truyền thống kết hợp hiện đại không phải là việc khó đối với công tác quy hoạch đô thị, nhưng rất cần đưa ra các giải pháp và lộ trình phù hợp. Đồng thời, mô hình mới cần được tạo điều kiện để bảo tồn những đặc điểm văn hóa Đông Nam Bộ đặc trưng của một không gian đô thị phía Nam với quy mô lớn nhất cả nước. Về vấn đề này, ông Trần Hữu Phúc Tiến, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TP.HCM, đề xuất chuyển các ban quản lý chợ từ đơn vị hành chính sự nghiệp trở thành công ty cổ phần và kinh doanh với sự tham gia của Nhà nước, tiểu thương và doanh nhân.

 

Nguồn: https://nhipcaudautu.vn/