“Nếu không có các chương trình khuyến thương thì không thể mở được “đầu ra” cho hàng hóa của chúng ta” – bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng 17/5/2017.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan
Theo bà Loan, bán lẻ nói chung và bán lẻ hàng hóa nói riêng là một trong những ngành có tốc độ phát triển liên tục, ấn tượng trong nhiều năm qua ở Việt Nam, góp phần vào bình ổn thị trường, hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự ổn định tăng trưởng kinh tế cũng như nâng cao đời sống của nhân dân.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng hơn 10,2%, cao hơn tỉ lệ tương ứng là 9,8% vào năm 2015. Trong đó riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm tới 75,9% tổng mức.
“Trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường bán lẻ Việt Nam nằm trong nhóm những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất, nhiều tiềm năng phát triển, đóng góp cho phát triển kinh tế. Nền công nghiệp dịch vụ Việt Nam đã có nhiều thành công ban đầu đáng khích lệ, bước đầu mở rộng mạng lưới cả bán lẻ hiện đại lẫn bán lẻ truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ hướng tới người tiêu dùng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ Việt Nam vẫn gặp khó khăn, hạn chế về nhiều mặt” – bà Loan nêu.
Bà Loan cho biết, tại hội nghị quan trọng này, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đề nghị bổ sung ngành bán lẻ, bao gồm tất cả các loại hình bán lẻ vào lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư, với tư cách là ngành nghề độc lập, không phải nằm trong nhóm cơ sở hạ tầng như hiện nay.
“Nghị định 118, Phụ lục 1 của Luật Đầu tư hiện tại đã cho phép các diện ưu đãi đầu tư là siêu thị và trung tâm thương mại, ưu đãi đầu tư đặc biệt của chợ và các chợ vùng nông thôn. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, trước mắt có thể bổ sung một số loại hình bán lẻ đang có triển vọng phát triển mạnh mẽ và cần sự hỗ trợ như là cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tạp hóa… bên cạnh các hình thức đã có hiện hành vào danh mục ưu đãi đầu tư trong Luật Đầu tư” – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nói.
Xung quanh việc thành lập, khởi động lại một mô hình 10 năm trước đây đã được thành lập bởi 4 doanh nghiệp hàng đầu trong các nhà bán lẻ hiện nay, đó là Liên minh hợp tác xã Saigon Co.op, Tập đoàn Phú Thái, Tổng Công ty thương mại Sài Gòn và Tổng Công ty thương mại Hà Nội, theo bà Loan, Thủ tướng Chính phủ lúc đó đã rất ủng hộ, kỳ vọng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho thị trường bán lẻ.
“Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói mô hình đó đã thất bại. Một trong những nguyên nhân chính là không tiếp cận được mặt bằng tại các tỉnh muốn phát triển” – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nêu rõ.
“Giờ chúng tôi muốn khởi động lại, thành lập lại với tính chất là đa sở hữu về bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Với 4 doanh nghiệp hàng đầu này, chúng ta đã có doanh thu 4-5 tỷ USD. Tôi rất mong muốn được trình bày kế hoạch cụ thể với Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ, nếu được cho phép” – Bà Loan nói.
Không có chương trình khuyến thương sẽ không mở được đầu ra!
Thay mặt Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, bà Loan đề nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ Chương trình khuyến thương.
“Để thực hiện thương mại trong nước, bên cạnh các chương trình khuyến nông và khuyến công vô cùng quan trọng hiện hành, nếu không có các chương trình khuyến thương thì không thể mở được “đầu ra” cho hàng hóa của chúng ta” – bà Loan nhấn mạnh.
Trong thời gian chờ đợi, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam kiến nghị bổ sung các doanh nghiệp bán lẻ, các hộ kinh doanh bán lẻ, các tổ chức, hiệp hội ngành nghề liên quan đến bán lẻ vào đối tượng áp dụng của các chương trình khuyến công và khuyến nông, hiện đang có hiệu lực áp dụng đến năm 2020, trong đó tập trung vào các nội dung có thể nâng cao năng lực chuyên môn và cạnh tranh của ngành bán lẻ, mà theo bà Loan là “vô cùng thiết thực”.
Cụ thể, thứ nhất là hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề bán lẻ như một ngành dịch vụ quan trọng có giá trị gia tăng.
Thứ hai là hỗ trợ nghiên cứu phát triển bán lẻ hiện đại, chuyển giao công nghệ kỹ thuật bán lẻ tiên tiến, giúp cộng đồng các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là đông đảo doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ và hộ gia đình trong bối cảnh hội nhập và mở cửa thị trường, trong bối cảnh diện mạo của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi và có nhu cầu ngày càng cao, ngày càng đa dạng.
Và thứ ba là hỗ trợ phát triển các hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin, nghiên cứu thị trường bán lẻ, kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này.
“Cộng đồng các doanh nghiệp bán lẻ chờ các chính sách, cơ chế thích hợp để phát triển bền vững, làm tốt vai trò cầu nối hữu hiệu giữa sản xuất và tiêu dùng. Không phải vô cớ mà người ta cho rằng chỉ cần nhìn vào thị trường bán lẻ sẽ thấy một bức tranh sinh động về mức độ phát triển kinh tế, văn minh thương mại và văn hóa tiêu dùng của các nước” – bà Loan chia sẻ.
“Chúng tôi xin thay mặt các thành viên và các doanh nghiệp trong Hiệp hội mong muốn được Thủ tướng Chính phủ dù trăm công, nghìn việc nhưng có thể có một cuộc gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ để có thể tháo gỡ, thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ hết sức quan trọng này” – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đề xuất.
Xuân Hưng (http://www.baomoi.com)
http://www.baomoi.com