Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong giai đoạn cao điểm phòng chống COVID-19” mới diễn ra.

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn.

“Lượng hàng tồn kho trong các doanh nghiệp hiện đang ở tỷ lệ rất cao. Nhiều nhà phân phối cũng từ chối nhận hàng bởi có nhận về thì họ cũng không bán được”, bà Hạnh nói.

Bà Vũ Kim Hạnh – CHủ tịch Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao.

Bà Vũ Kim Hạnh – CHủ tịch Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao.

Để doanh nghiệp có thể tồn tại được qua thời điểm dịch bệnh, bà Hạnh khuyến nghị VCCI một lần đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, việc minh bạch các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch COVID-19 cũng là một trong những vấn đề cần được lưu tâm.

“Doanh nghiệp hiện đang ủng hộ cách thông tin và giải trình về dịch bệnh như chúng ta đã làm trong đại dịch vừa qua. Việc này nên được phát huy trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, bà Hạnh nói.

Thêm vào đó, bà Hạnh cho rằng chúng ta nên định danh cụ thể xem đâu là những ngành nghề thiết yếu trong đại dịch.

“Chẳng hạn như ngành nghề buôn bán các dụng cụ văn phòng phẩm để phục vụ cho giáo dục, chúng ta có nên coi ngành nghề này là dịch vụ thiết yếu hay không? Nếu chúng ta không xem xét như vậy, thì rất có thể khi đại dịch kết thúc, lĩnh vực giáo dục quay lại với đúng quỹ đạo ban đầu thì sẽ gặp trở ngại rất lớn bởi ngành nghề buôn bán dụng cụ văn phòng có thể đã chết trong dịch bệnh”, bà Hạnh nói.

Thêm vào đó, bà Hạnh cũng cho rằng việc một số địa phương đang hiểu sai yêu cầu “cách ly xã hội” cũng khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn. “Có một số địa phương cứ thấy người đi từ Thành phố Hồ Chí Minh tới là ngay lập tức giữ lại, kèm theo đó là hàng hóa không được lưu thông”, bà Hạnh nói.

Theo bà Hạnh, để gỡ khó cho doanh nghiệp, các địa phương nên hiểu đúng và thực hiện đúng chủ trương cách ly xã hội.

Vấn đề cuối cùng cần phải chú ý, theo bà, đó là vấn đề giữ chân người lao động. “Chúng ta phải có chính sách để giữ chân người lao động, làm sao để người lao động không bị tan tác sau đại dịch. Đây không đơn thuần là câu chuyện cứu đói, cứu cháy trước mắt mà cần đến một chiến lược tổng thể lâu dài để người lao động có thể tiếp tục gắn bó với công việc sau đại dịch. Đó cũng là một cách giúp doanh nghiệp bớt khó khăn hơn khi khủng hoảng đã kết thúc”, bà Hạnh nói.

https://enternews.vn/