Cửa hàng đầu tiên của chuỗi bán lẻ đến từ xứ kim chi đặt tại đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM). Trước đó, công ty mẹ của GS25 là GS Retail đã ký thỏa thuận liên doanh với Tập đoàn Sơn Kim mở cửa hàng theo hình thức nhượng quyền.
Việt Nam cũng chính là thị trường nước ngoài đầu tiên của GS Retail.
Theo thoả thuận, đối tác Hàn Quốc cung cấp kinh nghiệm quản lý, vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi và quyền sử dụng nhãn hiệu cho liên doanh. Ngược lại, liên doanh sẽ phải trả tiền bản quyền và lợi tức tương ứng với 30% cổ phần nắm giữ.
Tham vọng của liên doanh này là mở 2.500 cửa hàng tại Việt Nam trong 10 năm tới. Riêng tháng 1/2018 sẽ khai trương 4 cửa hàng tại TP.HCM và con số cửa hàng đạt 50 đến cuối năm nay.
Theo ông Yun Ju Young, Giám đốc điều hành GS25 Việt Nam, nhà bán lẻ này chọn Việt Nam là điểm đến ngoài Hàn Quốc đầu tiên vì Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh, tiềm năng dân số trẻ. Doanh nghiệp bán lẻ nào thành công tại TP.HCM thì sẽ tới được các thành phố khác trên thế giới.
Ngoài ra, một lượng lớn khách là người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cũng là mục tiêu mà nhà bán lẻ này hướng tới.
GS25 là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc, chiếm hơn 30% thị trường bán lẻ tại xứ kim chi với hơn 12.000 cửa hàng. Đối thủ của nhà bán lẻ này tại Hàn Quốc là hai ông lớn 7-Eleven và FamilyMart, và cũng là một trong những đối thủ nặng ký tại thị trường Việt Nam.
Sơn Kim đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, truyền thông và bán lẻ. Công ty này cũng đã hợp tác với GS Home Shopping trong mảng mua sắm tại nhà từ năm 2012.
Năm 2015, một nhà bán lẻ của Hàn Quốc là Tập đoàn Emart cũng đã đặt sự hiện diện tại thị trường Việt Nam bằng việc mở cửa đại siêu thị Emart (quận Gò Vấp, TP.HCM) có tổng vốn đầu tư lên tới 60 triệu USD. Tập đoàn này cũng khẳng định sẽ phát triển hệ thống Emart rộng khắp TP.HCM cũng như Việt Nam.
Trong những năm trở lại đây, thị trường Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của các chuỗi cửa hàng tiện lợi với mức tăng trưởng hàng năm 70%. Các tên tuổi đình đám có thể kể đến là chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart+, 7-Eleven, Circle K, Mini Stop hay Shop&Go.
Theo Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, năm 2017, trong bảng xếp hạng về độ hấp dẫn thị trường bán lẻ của 30 nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam xếp thứ 6, chỉ đứng sau Malaysia trong khu vực Đông Nam Á. Hàng loạt các nhà bán lẻ nổi tiếng từ Nhật, Pháp, Thái Lan… đầu tư vào Việt Nam khiến thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Còn theo Tổng cục thống kê, dự báo đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD, tỷ lệ đóng góp của bán buôn và bán lẻ vào GDP với hơn 14%. Dịch vụ bán lẻ cũng là một trong 6 ngành nghề thu hút vốn đầu tư lớn nhất.
Riêng trong năm 2018, cuộc đua cửa hàng tiện lợi sẽ rất khốc liệt, nhất là tại những thành phố trọng điểm như: TP.HCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long.
Theo Hải An – Zing