Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014 – 2020 do Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện.
Xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng TMĐT
Một trong những nội dung chính của chương trình là xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng TMĐT. Trong đó, xây dựng hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia; xây dựng giải pháp thẻ thanh toán TMĐT tích hợp; xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến hoạt động vận chuyển cho TMĐT; xây dựng hạ tầng chứng thực chữ ký số cho TMĐT. Bên cạnh đó, xây dựng các tiêu chuẩn trao đổi thông điệp dữ liệu trong TMĐT; xây dựng hệ thống đảm bảo lòng tin cho hoạt động mua sắm trực tuyến và cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến.
Phát triển các sản phẩm, giải pháp TMĐT
Nội dung khác của chương trình là phát triển các sản phẩm, giải pháp TMĐT. Trong đó, xây dựng giải pháp bán hàng trực tuyến để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai ứng dụng TMĐT; xây dựng và duy trì sàn giao dịch TMĐT nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Chương trình cũng hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch TMĐT uy tín trong nước và thế giới; xây dựng các giải pháp để phát triển ứng dụng TMĐT trên nền thiết bị di động và phát triển nội dung số cho TMĐT; triển khai các chương trình, giải pháp để xây dựng thương hiệu trực tuyến cho các hàng hóa, dịch vụ chủ lực của Việt Nam; xây dựng đồng bộ giải pháp đáp ứng đơn hàng trực tuyến để các doanh nghiệp triển khai ứng dụng; xây dựng các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực TMĐT
Tổ chức đào tạo, tập huấn ngắn hạn trong nước cho doanh nghiệp về TMĐT theo địa phương và lĩnh vực kinh doanh; xây dựng hệ thống học liệu phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập về TMĐT; xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình đào tạo TMĐT có nội dung phù hợp với nhu cầu thực tiễn và đối tượng đào tạo.
Bên cạnh đó, chương trình cũng đề ra những nội dung về tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về TMĐT; tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng TMĐT; hợp tác quốc tế về TMĐT; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động phát triển TMĐT.
Theo Quyết định, cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử các địa phương và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) có trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện các đề án phát triển thương mại điện tử hàng năm và phối hợp với Bộ Công Thương phổ biến, hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra giám sát các đối tượng thụ hưởng thực hiện Chương trình.
Nguồn: MOIT