Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Việt Nam nên bình tĩnh, chủ động với đợt sóng tăng giá, tăng lượng mua và xuất khẩu gạo theo làn sóng đó để thu lợi nhuận thay vì ra quyết định cấm.

Hải quan cho biết từ 24/3 dừng thông quan các lô hàng gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi Covid-19 diễn biến phức tạp.

 

Chưa cần quá lo ngại?

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 24/3, Tổng cục Hải quan ra thông báo việc dừng thông quan các lô hàng gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong văn bản gửi cuối ngày 24/3, Bộ Công Thương lại đề nghị Thủ tướng cho hoãn việc áp dụng dừng xuất khẩu gạo từ 0h ngày 24/3. Đề nghị này của Bộ Công Thương đưa ra trên cơ sở phản ánh của doanh nghiệp.

Cũng theo Bộ này, việc tạm dừng việc ngừng xuất khẩu để đánh giá lại sản lượng thực tế vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký, cũng như hàng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp.

Trong khi đó, tại cuộc họp thường thực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 ngày 23/3, chính Bộ Công Thương đề xuất tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020.

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia nông sản Nguyễn Đình Bích cho rằng với sản lượng xuất khẩu hiện nay tuy có tăng nhưng chưa thể gọi là “đột biến”.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 900.000 tấn, với kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ.

Chỉ có riêng tại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu gạo sang thị trường này 2 tháng đầu năm 2020 đột nhiên tăng tới 595% về lượng và 724% về kim ngạch.

Tuy nhiên theo ông Bích, mức tăng nay dù rất lớn, nhưng cũng phải nhìn lại con số thống kê năm ngoái, lượng gạo xuất sang thị trường này rất thấp.

Vị chuyên gia có cái nhìn lạc quan. Ông cho rằng, dù bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn nhưng tính đến thời điểm này sản lượng vẫn đảm bảo. Chưa cần phải quá lo lắng về an ninh lương thực.

Nếu giá tốt có thể tận dụng để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp, nông dân bởi sau một vụ mùa là có thể bổ sung được lại lượng gạo nên chưa cần phải lo lắng về thiếu hụt lương thực ở Việt Nam thời gian này.

Nêu quan điểm về việc dừng xuất khẩu gạo, TS. Nguyễn Đức Thành, thành viên Liên Minh Chính sách Nông nghiệp Việt Nam cho rằng có phần “vội vã”.

Ông Thành nói, trong bối cảnh các nước lo ngại sẽ thiếu lương thực trong đại dịch, do tâm lý người dân muốn đầu cơ tích trữ, hoặc có thể do hoạt động kinh tế suy giảm, dẫn tới sản lượng giảm, nhiều nước bắt đầu thu gom gạo quy mô lớn. Ví dụ con số ấn tượng là Trung Quốc gần đây tăng mua gấp 7 lần cùng kỳ.

Hải quan cho biết từ 24/3 dừng thông quan các lô hàng gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi Covid-19 diễn biến phức tạp. Chỉ đạo này nhằm thực hiện kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo ông Thành, việc dừng xuất khẩu gạo dựa trên tham mưu của Bộ trưởng Công Thương. Nhưng cùng ngày 24/3, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lại có một công văn hoả tốc gửi Thủ tướng đề nghị hoãn lệnh cấm xuất khẩu gạo.

“Nội dung công văn cho thấy dường như Bộ trưởng chịu sức ép từ phía các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và các nhà sản xuất gạo. Và tôi nghĩ lần này các doanh nghiệp đã đúng”, ông Thành cho rằng, việc ra chính sách này trong trạng thái có phần vội vã.

Cần tận dụng đón sóng thay vì vội vã cấm

Ông Nguyễn Đức Thành kể lại năm 2008, giá gạo thế giới tăng cao từ đầu năm, và đến khoảng tháng 4-5 thì giá tăng dữ dội (theo thống kê của GSO, chỉ trong 1 tháng (từ tháng 4 sang tháng 5), giá gạo trong nước đã tăng thêm 36%).

Giá gạo thế giới cũng tăng chóng mặt và nguy cơ thiếu hụt gạo hiện hữu toàn cầu. Việt Nam đã vội vã đóng cửa thị trường xuất khẩu gạo để bảo vệ thị trường trong nước. Sau đó, cơn sốt gạo qua đi, mọi việc trở lại bình thường, thậm chí giá gạo lại xuống thấp theo các chu kỳ lên xuống của ngành hàng nông nghiệp.

“Giới kinh doanh đánh giá Việt Nam đã đánh mất một cơ hội xuất khẩu gạo với khối lượng lớn và giá rất tốt. Sau này, nhiều chuyên gia cũng đánh giá là ở Việt Nam, gạo là mặt hàng mà nguồn cung có thể được bổ sung sau 3-4 tháng, nên việc lo sợ quá mức về thiếu hụt nguồn cung đã dẫn tới việc đánh mất cơ hội cho cả người sản xuất lúa gạo (nông dân) lẫn các nhà xuất khẩu”, ông Thành nhận xét.

Ông Thành nhấn mạnh, gạo là một mặt hàng Việt nam có thể chủ động nguồn cung trong những chu trình 3-4 tháng, nên việc cầu lúa gạo thế giới đột ngột tăng cao, Việt Nam nên tranh thủ đón ít nhất là sóng đầu tiên.

Tức là theo ông Thành, Việt Nam nên bình tĩnh, chủ động với đợt sóng tăng giá, tăng lượng mua này và xuất khẩu gạo theo làn sóng đó để thu lợi nhuận. Giá cả và nhu cầu có thể tăng dần, thậm chí tăng mạnh, trong các tháng 4-5, chúng ta vẫn nên chủ động đi theo con sóng đó.

“Tất nhiên giá trong nước cũng có khuynh hướng tăng theo. Nhưng  việc tăng giá gạo nội địa cơ bản là lợi nhiều hơn hại, vì tầng lớp được hưởng lợi căn bản vẫn là nông dân và ngành nông nghiệp. Các nhóm khác có thể bị thiệt vì giá gạo tăng lên, nhưng gạo chỉ chiếm một tỷ trọng tương đối nhỏ trong ngân sách của họ”, ông Thành nói.

Theo vị này, nếu đến mùa sau, việc cung ứng gạo trong nước có dấu hiệu mất cân đối trầm trọng, đặc biệt với tình hình sản lượng giảm do điều kiện thời tiết (nhưng sản lượng này vẫn sẽ luôn luôn lớn hơn tổng lượng tiêu thụ nội địa), thì lúc đó, mới cần cân nhắc điều tiết xuất khẩu.

“Điều tiết xuất khẩu thôi, còn việc đóng cửa thị trường xuất khẩu là một tình huống cực đoan”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Nguyễn Mạnh (dantri)