Tiêu dùng trong nước tuy được cải thiện trong 2 tháng vừa qua nhưng vẫn còn ở mức thấp…
CPI thực tế trong 4 tháng đầu năm tăng thấp khiến cho xu hướng tăng CPI dài hạn đi xuống.
Theo MarketIntello, có một số nguyên nhân khiến CPI cả năm chỉ đạt mức tăng thấp. CPI thực tế trong 4 tháng đầu năm tăng thấp khiến cho xu hướng tăng CPI dài hạn đã chính thức đảo chiều đi xuống.
Ngoài ra, tiêu dùng trong nước không có nhiều cải thiện trong khi giá các mặt hàng cơ bản, đặc biệt là dầu thô, không tăng.
Lãi suất huy động giảm
Quan trọng hơn, MarketIntello tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách điều hành tiền tệ theo hướng thận trọng để bảo vệ VND không bị mất giá quá nhiều so với USD.
Cụ thể lạm phát cả năm dự báo sẽ đạt mức khoảng 3,8%. Khả năng tăng giá điện có thể đẩy lạm phát lên cao từ quý 3, nhưng mức cầu nội địa yếu sẽ giúp lạm phát được kiềm chế trong mục tiêu do Quốc hội đề ra.
Theo đó, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm so với năm 2016 tùy từng kỳ hạn. Mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn sẽ giảm xuống mức 4,5% ở kỳ hạn 3 tháng và khoảng 6,3% ở kỳ hạn 12 tháng nhờ tác động kiểm soát lạm phát từ Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.
Tỷ giá tăng khoảng 1-1,5%. Khả năng Fed nâng tỷ giá 2 lần nữa trong năm vào tháng 6 và tháng 9 có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá.
Ngoài ra, tình trạng nhập siêu cũng sẽ khiến cầu USD tăng mạnh hơn năm 2016. Tuy nhiên, VND sẽ không bị mất giá nhiều nhờ khả năng kiểm soát lạm phát thành công dưới 4% và nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào của Ngân hàng Nhà nước.
Nhận xét về diễn biến kinh tế trong tháng qua, MarketIntello cho rằng, chỉ số CPI không thay đổi trong tháng 4 khiến cho lạm phát so với cùng kỳ giảm. Đáng chú ý, giá lương thực thực phẩm giảm mạnh một phần là hệ quả của cầu tiêu dùng nội địa yếu.
Trên thực tế, chỉ số giá của nhóm hàng lương thực thực phẩm đã giảm từ đầu năm đến nay và không ngừng lao dốc ngay cả trong kỳ nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương và 30/4.
Do thực phẩm là nhóm hàng hóa tiêu dùng lớn nhất trong chi tiêu của hộ gia đình, điều này cho thấy cầu tiêu dùng nội địa vẫn thấp, chưa được cải thiện và do đó không thể hấp thụ mức tăng cung của một số mặt hàng thực phẩm, chẳng hạn như thịt heo trong thời gian qua.
Cầu tiêu dùng nội địa yếu cũng thể hiện qua tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ loại trừ yếu tố giá chỉ đạt 6,7% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn cùng kỳ 2 năm gần đây (tháng 4/2015 và 2016 lần lượt đạt 8,3% và 7,8%).
Ngân hàng Nhà nước cùng lúc hỗ trợ tỷ giá và lãi suất. Vào ngày 10/4, Ngân hàng Nhà nước đã công bố nâng mức tỷ giá mua vào thêm 100 điểm lên mức 22.316 VND/USD nhằm mục đích kiềm chế đà giảm của tỷ giá.
Tỷ giá đã lao dốc trong tuần đầu tiên của tháng 4: tỷ giá mua vào của Vietcombank giảm khoảng 0,35% so với cuối tháng 3; tỷ giá tự do cũng giảm khoảng 0,31% (trong khi đó tỷ giá chỉ giảm lần lượt 0,22% và 0,13% trong cả tháng 3).
Diễn biến trên cho thấy khả năng Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ trở lại mua vào ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối.
Với việc mua vào ngoại tệ, tương tự như trong năm 2016, Ngân hàng Nhà nước, sẽ cùng lúc bơm VND ra thị trường và giúp hạ nhiệt lãi suất.
Như vậy, trong khi tín dụng tăng trưởng cao hơn huy động (tính đến cuối tháng 3, tín dụng tăng 19,4% và huy động tăng 17,8% so với cùng kỳ), biện pháp trên của Ngân hàng Nhà nước đã giúp giữ lãi suất trên cả thị trường 1 và thị trường liên ngân hàng ngang bằng và thậm chí là thấp hơn trong tháng 4.
Cần đẩy mạnh khu vực kinh tế nội địa
Tình trạng nhập siêu tiếp tục gia tăng, đặc biệt ở khu vực kinh tế trong nước. Thâm hụt thương mại trong tháng 4 ước tính đạt khoảng 800 triệu USD, làm tăng thâm hụt cho 4 tháng đầu năm lên trên 2,7 tỷ USD.
Cũng trong 4 tháng đầu năm, khu vực kinh tế trong nước đóng góp tới 8,5 tỷ USD thâm hụt thương mại (khu vực doanh nghiệp FDI xuất siêu 5,5 tỷ USD). Đáng chú ý, đây là mức thâm hụt cao nhất trong 4 tháng đầu năm của nhiều năm gần đây.
Các chuyên gia phân tích của MarketIntello nhận định, đẩy mạnh đầu tư từ khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là thách thức lớn nhất để vực dậy nền kinh tế Việt Nam trong phần còn lại của năm.
Chính phủ đã có những thúc giục nhất định về việc giải ngân vốn từ nguồn ngân sách và cải thiện môi trường kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, cho đến tháng 4/2017, tốc độ giải ngân nguồn đầu tư từ ngân sách diễn ra chậm hơn so với kế hoạch. Các kế hoạch tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước đang bị chững lại, khiến cho động lực thu hút vốn từ khu vực kinh tế tư nhân bị giảm dần.
Tiến độ giải ngân các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước chậm chạp trong những tháng đầu năm. Tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách chỉ đạt 3,4% trong tháng 4.
Theo Bộ Tài chính, tính tới ngày 17/4/2017, tuy giải ngân vốn đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước là 14,3% kế hoạch, giải ngân vốn cho các Chương trình mục tiêu quốc gia mới chỉ có 4,3% kế hoạch.
Tiêu dùng trong nước tuy được cải thiện trong 2 tháng vừa qua nhưng vẫn còn ở mức thấp. Cầu nội địa thấp đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 sẽ phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế.
Tình trạng nhập siêu cho đến hết tháng 4 vẫn tiếp tục và ngày càng gia tăng. Tuy mặt hàng nhập khẩu chính là máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất, nhưng nếu khu vực sản xuất tiếp tục chậm hồi phục thì tăng trưởng kinh tế khó có thể được gia tăng mạnh mẽ trong các quý tiếp theo.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017 có thể đạt mức 6,1%. Nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hồi phục nhẹ nhưng công nghiệp khai khoáng suy giảm sẽ khiến tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng đáng kể.