Trà sữa có thể không chết yểu như mì cay bảy cấp độ hay chè khúc bạch.

 

Mỗi tháng có tám cửa hàng trà sữa được mở thêm. Ảnh: HM

 

Một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me cho thấy chỉ tính từ giữa tháng 7-2017 đến nay, cả nước đã có thêm 700 cửa hàng trà sữa ra đời. Con số này đã vượt cả các chuỗi cà phê Trung Nguyên, Highlands, Coffee House… chỉ với 500 cửa hàng. Đến nay, tại thị trường Việt Nam đã có trên 100 thương hiệu trà sữa cạnh tranh khốc liệt.

 

Đặc biệt 73% số người được hỏi đều nhận biết trà sữa, tỉ lệ nhận biết cao hơn ở những người trả lời trong độ tuổi 30-39.

 

Nhan nhản quán trà sữa

 

Dễ nhận thấy cửa hàng trà sữa đang mọc lên khắp nơi ở TP.HCM. Thậm chí hiện nay có nhiều tuyến đường được ví von là “cung đường trà sữa” như Nguyễn Huệ, Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu, Phan Xích Long… với nhiều thương hiệu mở san sát nhau.

 

Chị Linh San, chủ một cửa hàng trà sữa trên đường Sư Vạn Hạnh, cho hay: Cửa hàng trà sữa mọc lên như nấm sau mưa nhưng sức mua mỗi cửa hàng một khác. Cửa hàng ít thì bán vài trăm ly, nhiều lên tới cả ngàn ly mỗi ngày. Giá bán trà sữa cũng có nhiều “cung bậc”, dao động trung bình 20.000-70.000 đồng/ly.

 

Đại diện một thương hiệu trà sữa cho biết nếu trước đây trà sữa là đồ uống chủ yếu được giới trẻ, học sinh, sinh viên ưa chuộng thì nay đối tượng khách hàng mở rộng hơn rất nhiều, đặc biệt là giới văn phòng và người trung niên.

 

“Trước đây trà sữa bán theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ, chất lượng không được kiểm soát chặt chẽ. Nhưng hiện nay chất lượng trà sữa được nâng cao ngay từ khâu chọn nguyên liệu, pha chế và có giấy chứng nhận an toàn của cơ quan chức năng” – đại diện hãng trà sữa này nói.

Đáng chú ý, từ nhận định nhu cầu về trà sữa của thị trường rất lớn, một loạt ông lớn trà sữa nổi tiếng nước ngoài đã nhảy vào thị trường này. Đơn cử như Chago, Gongcha, Igongcha, Royal Tea, Tea Story, Toco Toco, Blackball… Bởi vậy trên thị trường không chỉ có trà sữa Đài Loan như trước đây mà còn có trà sữa Hong Kong, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore.

 

Ông lớn nước ngoài hưởng lợi

 

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhận định gần đây cạnh tranh trà sữa mới được các nhà đầu tư quan tâm và phát triển thành chuỗi có thương hiệu với chiến lược đầu tư bài bản, chuyên nghiệp.

 

Đặc biệt, khi thị trường trà sữa bùng nổ, một số thương hiệu cà phê cũng tận dụng chuỗi sẵn có như Highlands bổ sung các dòng trà sử dụng nguyên liệu Nhật vào thực đơn của quán. Ngay như chuỗi Coffee House cũng chuyển đổi một số cửa hàng cà phê thành trà sữa. Thậm chí KFC cũng ra mắt thương hiệu trà sữa riêng.

 

Tuy vậy, TS Đào Xuân Khương, chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ, cho rằng thị trường trà sữa đang được dẫn dắt bởi chính đại gia kinh doanh trà sữa từ nước ngoài vào Việt Nam đầu tư kinh doanh. Và trên thị trường, ai tạo ra xu hướng, người đó sẽ được hưởng lợi.

 

“Kinh doanh trà sữa do ông lớn nước ngoài tạo ra xu hướng thì chính họ được hưởng lợi nhiều. Đặc biệt, họ làm theo mô hình nhượng quyền nên quy mô các cửa hàng trà sữa mở ra rất nhanh” – ông Khương nói.

 

Trà sữa liệu có chết yểu như mì cay?

 

Trước việc các cửa hàng trà sữa mọc lên khắp nơi, một số ý kiến cho rằng trà sữa có thể cũng giống như mì cay bảy cấp độ. Nghĩa là chỉ nở rộ được một thời gian, sau đó nhanh chóng lụi tàn, đóng cửa hàng loạt.

 

Đề cập đến vấn đề này, chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ Đào Xuân Khương nhận định đầu tư kinh doanh vào trà sữa chắc chắn là có rủi ro. Ví dụ, trong kinh doanh theo xu hướng, nhà kinh doanh phải liên tục thích nghi hoặc dẫn dắt xu hướng. Khi xu hướng thay đổi, trào lưu thay đổi, khẩu vị thay đổi, nhà đầu tư không thay đổi kịp sẽ có rủi ro. Mặt khác, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là rủi ro. Bởi nguyên liệu trong ngành trà sữa có liên quan đến hóa chất, vì vậy nguy cơ về an toàn thực phẩm chắc chắn có.

 

Còn chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang thì gợi ý “đầu tư theo chuỗi sẽ thắng”. Cụ thể, theo ông Quang, đầu tư thương hiệu chuỗi bao giờ cũng hiệu quả hơn đầu tư từng quán rời rạc với tên và nhận diện khác nhau. Nguyên nhân là khi đầu tư theo chuỗi, suất đầu tư chi phí cố định để làm thương hiệu thấp hơn nhiều so với đầu tư từng quán riêng lẻ.

 

Bên cạnh đó, khả năng quản trị tốt hơn nhờ các quy trình đào tạo, khả năng kiểm soát chất lượng đồng nhất và khả năng mua hàng hiệu quả hơn nhờ quyền mua với số lượng lớn.

 

Một số ý kiến khác cũng có chung nhận định mì cay bảy cấp độ sớm nở tối tàn vì người dùng đổ xô đi dùng sản phẩm này chủ yếu vì sự tò mò, mang tính nhất thời. Trong khi trà sữa phù hợp với nhiều độ tuổi, nhiều đối tượng nên khó chết yểu. Điều này có nghĩa trà sữa có thể sẽ là xu hướng phát triển dài hạn, trở thành một phần thói quen tiêu dùng ẩm thực của người Việt.

 

“Nhưng có điều cần lưu ý  là khi thị trường trà sữa dần ổn định, cơn sốt qua đi thì sẽ có sự thanh lọc dần. Nghĩa là chỉ có những thương hiệu uy tín, đủ tiềm lực về tài chính, sản phẩm tốt mới tồn tại và phát triển, ngược lại sẽ bị đào thải khỏi thị trường” – một chuyên gia nói.

 

Cửa hàng trà sữa liên tục ra đời

 

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hằng năm 20% và đã đạt quy mô 282 triệu USD.

 

Còn theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Lozi (chuyên về bình chọn địa điểm ăn uống tại Việt Nam) cho thấy 53% người được hỏi uống trà sữa ít nhất một lần/tuần. Cứ mỗi tháng lại có tám cửa hàng được mở thêm. Mỗi thương hiệu ra đời lại kèm theo những cơn sốt mới như trà sữa thú bông, trà sữa phô mai váng sữa, trà sữa kem cheese…

 

Tú Uyên (Theo PLO)