Người Việt xếp hàng mua đồ thời trang.

 

Đổ bộ vào Việt Nam

 

Đối với một bộ phận không nhỏ người Việt, những thương hiệu như Zara, H&M hay Uniqlo luôn được ưu chuộng. Trước đây, để sở hữu được những sản phẩm này, người Việt phần lớn phải sang Bangkok hay Singapore để mua, hoặc đặt hàng dưới dạng xách tay. Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường đầy tiềm năng đối với các nhà bán lẻ thời trang quốc tế.

 

Tháng 9/2016, Zara chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM. Nằm trong trung tâm thương mại sầm uất Vincom Center. Cảnh tượng người mua tại Zara xếp hàng dài khiến cho không ít đơn vị phân phối phải ghen tỵ. Từ khoá “Zara Việt Nam” tràn ngập trên mạng xã hội, đặc biệt là ở Facebook các ngôi sao, hot teen, những người làm trong ngành thời trang,… Thừa thắng xông lên, Zara cũng chính thức bán hàng online tại Việt Nam từ ngày 5/4 và đang xúc tiến mở cửa hàng thứ 2 tại Hà Nội.

 

Sau Zara, H&M thông báo chính thức ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Tại cửa hàng đầu tiên này, khách hàng có thể tìm thấy đầy đủ các dòng sản phẩm trang phục nữ, nam, trẻ em, giày dép, phụ kiện và đồ lót.

 

Một số thông tin cho rằng, sau khi khai trương cửa hàng đầu tiên tại Vincom Đồng Khởi, H&M sẽ mở tiếp các cửa hàng tại các trung tâm thương mại lớn trên đường Nguyễn Trãi và Minh Khai, Hà Nội.

 

Tiếp bước Zara và H&M mở cửa hàng tại Việt Nam, hàng thời trang Nhật Bản Uniqlo cũng đang ráo riết tuyển dụng người để chuẩn bị đổ bộ thị trường được cho còn nhiều tiềm năng này.

 

Một thương hiệu khác là Topshop Topman đã khai trương cửa hàng thứ 4 tại Việt Nam. Có mặt từ rất sớm, hệ thống thời trang Mango của Tây Ban Nha đã mở cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM với sản phẩm dành cho cả nam và nữ.

 

Hiện, Việt Nam đã có gần 200 thương hiệu thời trang ngoại, chiếm hơn 60% thị trường, tiêu thụ mạnh nhất là những thương hiệu tầm trung như Giordano, Bossini (châu Á) và tầm cao như CK, Mango, D&G,…

 

Thiên đường thời trang mới

 

Sự xuất hiện của Topshop, Zara và H&M gần đây cho thấy các hãng thời trang lớn trên thế giới đang rất quan tâm tới Việt Nam. Trong một khảo sát gần đây của hãng Niesel, dựa trên 29.000 người tại 58 quốc gia trên thế giới, thì có tới 56% số người Việt Nam được hỏi cho biết sẽ sẵn sàng chi bội tiền cho hàng hiệu.

 

Theo kết quả này, số lượng người Việt mê hàng hiệu đứng thứ ba thế giới, chỉ sau nước đứng đầu Trung Quốc với 74% và Ấn Độ đứng thứ hai với 59%. Thực tế đó cho thấy, nhu cầu sử dụng hàng hiệu của người Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng dù nền kinh tế có phần khó khăn hơn trước.

 

Các thương hiệu thời trang đánh giá cao thị trường Việt

 

Đơn vị có công đưa Zara về Việt Nam đến từ một công ty của Indonesia là Mitra Adiperkasa. Trả lời câu hỏi vì sao Zara lại chọn thị trường Việt Nam, vị quản lý cho hay, Zara đánh giá cao thị trường Việt Nam. Đây là thị trường rất tiềm năng. GDP bình quân đầu người tăng. Tầng lớp trung lưu cũng đang tăng và họ sẵn sàng chi tiền cho thời trang.

 

Đây cũng là lần đầu tiên công ty quản lý chuỗi cửa hàng bán lẻ Mitra Adiperkasa mở cửa hàng Zara ở bên ngoài Indonesia. Dù mang mác “hàng hiệu bình dân”, Zara vẫn là cái tên uy tín được nhiều người lựa chọn, từ các ngôi sao nổi tiếng, giới văn phòng hay sinh viên đại học.

 

Theo một bài viết trên tờ Nikkei, thông qua công ty con tại Việt Nam do hãng sở hữu, Mitra đang lên kế hoạch mở thêm một số cửa hàng Zara khác tại Việt Nam trong những năm tới, cũng như dự tính mở cửa hàng của các thương hiệu khác thuộc tập đoàn Inditex như Berska, Massimo Dutti.

 

H&M cũng đánh giá cao thị trường Việt Nam. Theo đó, Việt Nam nằm trong số 5 thị trường mà thương hiệu thời trang Thụy Điển muốn “tấn công” trọng điểm. Hồi tháng 2, H&M Việt Nam đã rục rịch tuyển dụng nhân sự cho một số vị trí cấp cao như quản lý cửa hàng, phụ trách giao diện cửa hàng, phụ trách nguồn tiền.

 

Mặc dù là thương hiệu đến từ nước ngoài, nhưng không ít sản phẩm của những đơn vị này lại đang được gắn mác “Made in Vietnam”. Đơn cử như Uniqlo, người mua ở nước ngoài dễ dàng tìm thấy các sản phẩm gắn mác Việt.

 

Hầu hết, các thương hiệu này đem các thiết kế đi thuê sản xuất ở các nước như Campuchia và Bangladesh, hay Việt Nam, nơi có chi phí nhân công rẻ.

 

Nam Hải (Theo Vietnamnet)