Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ đưa ra tại hội thảo An ninh bảo mật 2014 (Security World 2014) khai mạc ngày 18/3 ở Hà Nội, tại Việt Nam, mặc dù bảo mật trong các doanh nghiệp đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn, tuy nhiên những sự cố về mất an ninh thông tin, tấn công cơ sở dữ liệu và hạ tầng thông tin vẫn có chiều hướng gia tăng.

Ví dụ, thông tin từ Trend Micro cho thấy, ngân hàng là một trong những ngành bị tấn công mạnh nhất của các nhóm Trojan, phần mềm độc hại (Malware). Riêng quý 2 và 3/2013, phần mềm độc hại nhắm đến thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến cũng tăng mạnh tại Việt Nam, đẩy Việt Nam vào top các quốc gia là nạn nhân của các cuộc tấn công ngân hàng trực tuyến.

Các doanh nghiệp, tổ chức cần đầu tư thoả đáng cho bảo mật để bảo vệ mình trước sự tấn công của hacker.

Cùng đó, nguy cơ bảo mật trên thiết bị di động liên tiếp được cảnh báo. Chỉ riêng tháng 9/2013, lượng ứng dụng mã độc tấn công nền tảng Android đã cán mốc 1 triệu và Việt Nam cũng đứng thứ 3 trong top 10 quốc gia có lượng tải ứng dụng Android nhiễm độc lớn nhất.

Chưa có các biện pháp đảm bảo an ninh hữu hiệu trong khi đó vẫn tiếp cận, đưa vào sử dụng hàng loạt xu hướng công nghệ mới (như mang thiết bị cá nhân đến nơi làm việc, điện toán đám mây, di động…), thực tế đang đòi hỏi doanh nghiệp hiện nay phải chú trọng hơn vào những khoản đầu tư bảo mật để cải thiện công nghệ, quy trình và chiến lược, đảm bảo đạt được mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đã đặt ra.

Vì thế, các chuyên gia công nghệ tại Security World 2014 cho rằng, bài toán đặt ra cho đối tượng lãnh đạo CNTT (CIO) và an ninh thông tin (CSO) tại doanh nghiệp, tổ chức trong giai đoạn tới chính là cần củng cố năng lực bảo mật thông tin của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ mới vào đảm bảo an toàn, bảo mật, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam cần có chiến lược, chương trình hành động hiệu quả để đảm bảo an ninh thông tin, đối phó với những nguy cơ đe doạ.

Một báo cáo do IDC đưa ra gần đây cho thấy, năm 2014, chi tiêu cho CNTT tại thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt tăng trưởng 15,5%, đồng thời thị trường CNTT dự kiến đạt trên 13 tỷ USD. Nếu như dự báo này có sơ sở, nhiều khả năng mức đầu tư cho an toàn thông tin tại Việt Nam cũng sẽ tăng trong năm 2014.

Phan Minh – ICTNews.

Tọa đàm Đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử tại văn phòng VECOM TP Hồ Chí Minh

Mangdatphong.vn Sàn giao dịch TMĐT đạt 33 tiêu chí về mua sắm trực tuyến An Toàn