Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đang hoàn thiện dự thảo gói hỗ trợ an sinh lần thứ 2, để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Đề xuất gói an sinh xã hội lần 2 trị giá 27.000 tỷ hỗ trợ lao động gặp khó, mất việc do dịch Covid-19.
Tập trung hỗ trợ lao động mất việc làm
Văn phòng Chính phủ vừa Thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 . Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội khẩn trương tiếp thu ý kiến các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo nghị quyết này để trình Bộ Chính trị cho ý kiến.
Theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 tiếp tục tác động mạnh tới thị trường lao động, khi trong quý I, có tới 9,1 triệu lao động bị ảnh hưởng. Trong đó, có hơn nửa triệu lao động bị mất việc làm, hơn 2,8 triệu người phải tạm nghỉ việc không lương. Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã lây lan vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp và lao động. Các ngành nghề tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh, như: vận tải hành khách, hàng không, du lịch, khách sạn, giải trí, văn hóa, thể thao…
Với những tác động trên, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cho rằng, cần thêm chính sách để hỗ trợ lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Do đó, bộ này đề xuất gói hỗ trợ an sinh lần 2, với tổng trị giá trên 27.300 tỷ đồng. Cụ thể, miễn tiền đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (các chế độ của lao động vẫn được đảm bảo), tổng tiền miễn trên 3.600 tỷ đồng. Tiếp tục cho doanh nghiệp tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất trong 6 tháng; tổng số tiền gia hạn đóng trên 11.300 tỷ đồng. Sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động để duy trì việc làm, tổng số tiền hỗ trợ khoảng 3.000 tỷ đồng.
Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cũng đề xuất Nhà nước: Hỗ trợ trực tiếp lao động dừng hợp đồng, lao động nghỉ việc không lương, mất việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp 1,8 triệu đồng/người, tổng kinh phí khoảng 380 tỷ đồng; Hỗ trợ hộ kinh doanh phải tạm đóng cửa để phòng dịch theo yêu cầu của cơ quan chức năng mức 2 triệu đồng/hộ/tháng, tổng kinh phí khoảng 600 tỷ đồng; Hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em phải cách ly y tế phòng dịch mức 80.000 đồng/trẻ em/ngày, tổng kinh phí khoảng 70 tỷ đồng (từ ngân sách nhà nước và Quỹ bảo trợ trẻ em). Ngoài ra, cơ quan soạn thảo đề xuất Trung ương hỗ trợ 1.000 tỷ đồng chia đều cho Bắc Giang và Bắc Ninh để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng và lực lượng phòng chống dịch.
Cũng theo dự thảo nghị quyết trên, Ngân hàng Chính sách xã hội được đề nghị cho vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc (tổng kinh phí trên 2.400 tỷ đồng); cho vay trả lương trong thời gian phục hồi sản xuất (tổng kinh phí trên 5.000 tỷ đồng).
Bài học nào từ triển khai gói an sinh lần 1?
Trước đó, để hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tháng 4/2020, gói an sinh lần 1 trị giá gần 62.000 tỷ đồng cũng được Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đề xuất Chính phủ ban hành. Trong đó, dự kiến khoảng 35.880 tỷ đồng hỗ trợ đối tượng chính sách, người nghèo; Lao động tự do và lao động trong doanh nghiệp mất việc làm, hộ kinh doanh; khoảng 16.200 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi trả lương cho người lao động. Ngoài ra, còn tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất khoảng 6.500 tỷ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động 3.000 tỷ đồng (từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp).
Theo Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, tới tháng 5, gói an sinh trên giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng, tương đương hơn 22% dự kiến ban đầu, để hỗ trợ cho gần 13,2 triệu người. Đa số khoản tiền này dùng để chi trực tiếp cho người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách; lao động tự do và lao động trong doanh nghiệp mất việc làm, hộ kinh doanh… Các chỉ tiêu hỗ trợ còn lại đều không đạt được như kế hoạch đặt ra. Trong đó, 16.200 tỷ đồng cho vay trả lương chỉ cho vay được hơn 41 tỷ đồng; 3.000 tỷ đồng chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp không giải ngân được. Thực tế này cho thấy, có nhiều thủ tục, vướng mắc mà cơ quan chức năng cần tháo gỡ.
Về kết quả giải ngân chưa như dự kiến, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cho rằng, tại thời điểm đề xuất chính sách, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số trường hợp dự kiến hỗ trợ lớn; thời gian triển khai kéo dài.Cơ sở xác định đối tượng để hỗ trợ gặp nhiều khó khăn, một số người không đề nghị nhận hỗ trợ. Vẫn còn hiện tượng lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo không đúng tiêu chí, đã được phát hiện và chưa chi trả. Trong khi đó điều kiện cho doanh nghiệp vay để trả lương chặt chẽ, số tiền vay thấp nên thực tế nhiều doanh nghiệp đã “nản” lòng trong quá trình tiếp cận.
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, năm 2020, đã có hơn 1 triệu lao động được chi trả trợ cấp từ Bảo hiểm thất nghiệp (tăng 30% so với năm 2019). Tổng số tiền chi trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề trên 19.598 tỷ đồng (tăng 40% so với năm 2019).
TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng cho biết, gói an sinh lần 1 đã truyền tải tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Tuy nhiên, theo bà Hương, các điều kiện đặt ra với lao động để được nhận hỗ trợ quá phức tạp, khó triển khai trên thực tế, đặc biệt là với nhóm cần được hỗ trợ là lao động tự do.
Theo bà Hương, với gói an sinh xã hội mới, cần triển khai nhanh và thủ tục đơn giản, chấp nhận một phần rủi ro có thể thực hiện sai với một số đối tượng. Điều quan trọng là tất cả người cần hỗ trợ đều nhận được hỗ trợ, nhầm vẫn hơn sót. Tương tự như cây “ATM gạo”, trong số người tới nhận có thể có người không hẳn khó, nhưng hầu hết người khó khăn sẽ tới nhận, mục tiêu hỗ trợ vẫn đạt được.
Theo Tiền Phong