Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hưng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VECOM chia sẻ về tầm quan trọng của dịch vụ chuyển phát đối với tình hình phát triển chung của nền kinh tế cũng như lĩnh vực thương mại điện tử trong nước. Thương mại điện tử phát triển nhanh trong thời gian gần đây đã đem lại những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế chung với những con số dự đoán lạc quan của giới chuyên gia, tuy nhiên để hiện thực được những tiềm năng của nó thì yếu tố về chất lượng dịch vụ chuyển phát đóng vai trò khá then chốt trong tiến trình này.

Ông Nguyễn Thanh Hưng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VECOM phát biểu khai mạc Hội thảo.

Mục tiêu của hội thảo là nâng cao mối liên kết kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc hai lĩnh vực vừa có tiềm năng phát triển rất lớn trong những năm tới, vừa có tác động hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Về phía Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng chia sẽ những định hướng mà Bộ Công Thương cũng như Cục TMĐT chú trọng trong thời gian tới với mong muốn thúc đẩy lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng phát triển hơn, trong đó bao gồm hoạt động chuyển phát trong bối cảnh hỗ trợ thương mại điện tử. Về phía Bộ Công Thương cũng đã có nhiều hoạt động để trao đổi thảo luận nhằm nâng cao chất lượng loại hình dịch vụ này.

Ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu năm 2011 của ngành đạt 246,7 triệu USD và năm 2012 đạt 273,7 triệu USD. Ba doanh nghiệp có thị phần lớn nhất là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VnPost), công ty DHL-VNPT và Công ty Bưu chính Viettel. Mạng lưới chuyển phát đã bao phủ rộng khắp tới tất cả tuyến xã trên cả nước.

Tuy nhiên dịch vụ chuyển phát ở Việt Nam chưa đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường thương mại điện tử. Đó là do hệ thống quản lý hàng hóa chuyển phát còn tương đối thủ công, hạ tầng nhà xưởng kho bãi và phương tiện vận chuyển chưa hiện đại, phụ thuộc vào bên thứ ba khi hàng hóa được chuyển phát bằng hàng không, hàng hóa chuyển phát đi quốc tế phụ thuộc trên 95% vào các hãng chuyển phát nước ngoài, đội ngũ lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tỉ lệ cao, v.v…

Tính tới đầu năm 2014 có 91 doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính. Nhưng trên thực tế một số doanh nghiệp đã được cấp phép chưa hoạt động hoặc hoạt động không đúng mục đích. Có đơn vị chuyển phát chỉ làm thương mại, liên kết, hợp tác với một số đơn vị chuyển phát lớn rồi kinh doanh trực tuyến hoặc mở văn phòng giao dịch thu gom thư từ, bưu phẩm, bưu kiện… của khách hàng rồi chuyển cho bên đại lý của họ.

Chất lượng của dịch vụ chuyển phát chưa cao là một trong những yếu tố chủ yếu khiến cho giá mua sắm trực tuyến không rẻ hơn đáng kể so với mua sắm truyền thống. Đây là một cản trở lớn đối với lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam, một lĩnh vực được đánh giá có tiềm năng phát triển rất mạnh trong những năm tới.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp chuyển phát và thương mại điện tử đã nêu bật những thuận lợi, khó khăn trong hợp tác kinh doanh theo hướng đôi bên cùng có lợi, sự lớn mạnh của doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển phát sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử và ngược lại.

Hội thảo đánh giá cao sáng kiến tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2014 (www.ngaymuasamtructuyen.vn) diễn ra vào thứ sáu đầu tiên của tháng 12. Đây là nỗ lực bước đầu của cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử là Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin nhằm tạo sự liên kết mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp trong cả hai lĩnh vực. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai sự kiện lớn này. Các đại biểu tham gia hội thảo bày tỏ hy vọng các cơ quan, tổ chức khác như Vụ Bưu chính, Hiệp hội Bán lẻ, Hiệp hội Logistics, các sở công thương, v.v… có những giải pháp, hoạt động tích cực trong thời gian tới nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của cả dịch vụ chuyển phát và thương mại điện tử.

Một số hình ảnh Hội thảo:

Ông Nguyễn Tương – Trưởng đại diện Hiệp hội Logitics.

Toàn cảnh buổi Hội thảo.

Toàn cảnh buổi Hội thảo.

VECOM.