Nhiều sản phẩm, giải pháp công nghệ cao của doanh nghiệp Trung Quốc thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Điển hình như giải pháp kỹ thuật về mã QR trong các thiết bị IOT (Internet of things – các vật kết nối Internet); thiết kế chip; ứng dụng thanh toán điện tử cho các ngành ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, thuế, dầu thô, vận chuyển hàng hóa…; thiết bị ngoại vi máy tính; hệ thống hội nghị truyền hình; phụ kiện điện thoại di động; phần mềm chuyên ngành chứng khoán, tài chính; thiết bị âm thanh…
Toàn cảnh hội thảo Hợp tác kinh doanh Việt Nam – Trung Quốc 2014.
Ông Sư Hữu Hà, Cố vấn cấp cao Viện Nghiên cứu kỹ thuật thông tin doanh nghiệp Nhà nước Bắc Kinh cho biết hiện Trung Quốc chưa tham gia các tổ chức, hiệp định quốc tế như WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) nên doanh nghiệp không được hưởng các chính sách ưu đãi, còn gặp nhiều “hàng rào” khi làm ăn với những đối tác ở Mỹ, châu Âu. Trong khi đó, Việt Nam đã là thành viên WTO, đang chuẩn bị tham gia Hiệp định TPP. Nếu doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thì có thể tận dụng được các chính sách ưu đãi của WTO, TPP đối với hoạt động xuất khẩu sang các quốc gia thành viên của WTO, TPP.
Chia sẻ thêm về việc Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nước ngoài về công nghệ cao, liệu doanh nghiệp Trung Quốc có quan tâm tới chuyện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam hay không, ông Sư Hữu Hà nói: “Về công nghệ cao, Trung Quốc không thể bằng Mỹ, Châu Âu nên khi kinh doanh tại Việt Nam sẽ phải tập trung vào ưu thế của mình là máy móc thiết bị, đồ cơ khí… Trung Quốc chỉ có ưu thế hơn so với Mỹ và châu Âu là giá thành thấp”.
Theo Ngọc Mai- ICTNews