Đứng trước những khó khăn về trình độ kỹ thuật, cạnh tranh chi phí, lợi nhuận và nguồn vốn đầu tư, các doanh nghiệp điện – điện tử trong nước đã có những động thái khôn ngoan và táo bạo để định vị vị thế ở “sân nhà” và mở rộng sang các thị trường mới.
Nội lực của doanh nghiệp điện – điện tử Việt chưa được phát huy
Doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực điện – điện tử phần lớn trong ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất theo đơn hàng của doanh nghiệp FDI, ít có sự tham gia, đóng góp sở hữu trí tuệ, chất xám trực tiếp vào sản phẩm.
Tuy vậy cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa đủ năng lực để chủ động hợp tác với doanh nghiệp FDI nên bất lợi trong đàm phán về chi phí giá thành, nhân công… Theo chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do phần lớn các doanh nghiệp ngành điện tử trong nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đa số chỉ dừng ở bước gia công, lắp ráp, thiếu hụt nguồn vốn trung và dài hạn, chưa đầu tư nhiều vào máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại…
Song, vẫn còn nhiều cơ hội đang mở ra cho các doanh nghiệp trong thời buổi hội nhập này, nhất là khi nhà nước đang đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp ngành điện tử, ngành cơ khí, lắp ráp… đồng thời triển khai nhiều chính sách thu hút thêm nguồn vốn FDI. Nhiều doanh nghiệp lĩnh vực điện – điện tử đã nhận chuyển giao công nghệ, đào tạo và chiêu mộ nhân tài, đưa nhân lực sang học tập tại các nước phát triển.
Có doanh nghiệp đã phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng có doanh nghiệp thất bại trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, không chỉ đến từ doanh nghiệp trong nước mà còn các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này đặt ra vấn đề đó là cần phải hình thành sợi dây liên kết giữa các doanh nghiệp Việt, xây dựng một cộng đồng điện tử vi mạch vững mạnh, giúp đỡ lẫn nhau, tận dụng ngoại lực phát huy nội lực tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành.
Đưa ngành công nghiệp điện tử, vi mạch “Make in Vietnam” vào chuỗi cung ứng
Từ năm 2019, khẩu hiệu “Make in Vietnam” của Bộ Thông tin và Truyền thông với 3 mục tiêu: Sáng tạo tại Việt Nam; làm ra tại Việt Nam; thiết kế tại Việt Nam; sản xuất tại Việt Nam, đã truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh vai trò là trung tâm sản xuất mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều doanh nghiệp Việt nuôi giấc mơ có thể làm ra “sản phẩm điện tử Việt Nam” đúng nghĩa để không chỉ đóng vai trò sản xuất mà còn thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với sản phẩm áp dụng công nghệ hiện đại.
Các doanh nghiệp trong nước bắt tay nhau, hướng đến thị trường quốc tế, giải những bài toán toàn cầu, lấy ưu khuyết của nhau để bù đắp, hợp tác tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao đủ sức để cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài. Sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp ODM (Original Designed Manufacturer – Nhà thiết kế sản phẩm gốc) như là minh chứng thiết thực cho khả năng của Việt Nam trong lĩnh vực điện – điện tử.
Mong muốn bức phá khỏi vòng luẩn quẩn về thị trường, công nghệ, chi phí và tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt, ngày 5/7/2022, Công ty Điện Quang phối hợp cùng Công ty cổ phần Công nghệ Xelex tổ chức hội thảo Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất các thiết bị Điện tử, CNTT và Viễn thông “Make in Vietnam”.
Hội thảo là nơi kết nối các doanh nghiệp trong ngành và nhiều chuyên gia hàng đầu với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển các sản phẩm quốc tế. Qua những góc nhìn đa chiều được chia sẻ tại tọa đàm, doanh nghiệp Việt mong xoá bỏ các “vách ngăn”, cùng nhau giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng trong ngành công nghiệp điện tử. Đây cũng là buổi học hỏi giao lưu kinh nghiệm của cộng đồng điện tử vi mạch cả nước, sẻ chia để cùng phát triển.
Buổi hội thảo diễn ra lễ ký kết giữa Điện Quang và Xelex là hai doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử. Với kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu sản phẩm đến hơn 30 nước của Điện Quang, cùng khả năng nghiên cứu, thiết kế phần mềm, thiết bị công nghệ cao của Xelex, hai bên kỳ vọng cùng phát triển lâu dài, tạo ra các sản phẩm mới mang tính đột phá về công nghệ và bảo mật, phù hợp với người dùng Việt và đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế. Thông qua đó, tạo nên một môi trường kinh tế lành mạnh, kéo theo sự phát triển đồng bộ của ngành điện – điện tử Việt Nam.
Xem thêm thông tin tại: https://b2b.dienquang.com/products/dien-quang-doi-tac-dang-tin-cay-trong-nganh-cong-nghiep-phu-tro-va-oem https://xelex.vn/trang-chu/nang-luc/ |
Ngọc Minh (https://vietnamnet.vn/)