Xu hướng tiếp cận khách hàng đa kênh, kết hợp giữa nền tảng điện tử và cửa hàng truyền thống đang được nhiều doanh nghiệp bán lẻ áp dụng, đặc biệt sau cú sốc COVID-19.
Nhiều doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội để thu hút khách đến cửa hàng. Ảnh: Lan Anh.
“Không kênh nào có thể lan truyền thông điệp nhanh như mạng xã hội. Những người đã từng đọc và chia sẻ các bài đăng trên Facebook hoặc Instagram sẽ hiểu rất rõ điều này”, ông Craig Schmeizer – Thành viên HĐQT Vua Nệm khẳng định.
Bởi vậy, tại Việt Nam, một số loại hình kinh doanh ít tập trung vào bán hàng trực tuyến mà tập trung sử dụng chiến lược kỹ thuật số để kéo khách tới cửa hàng. Các doanh nghiệp trong ngành F&B, thời trang, mỹ phẩm, du lịch đều đang tận dụng chiến lược tiếp cận khách hàng đa kênh này.
Riêng ở mảng thời trang, các thương hiệu như Uniqlo, H&M… không bán hàng trực tuyến nhưng hoạt động rất tích cực trên Facebook và Instagram. Nội dung chia sẻ chủ yếu xoay quanh cách phối hợp trang phục và chương trình khuyến mại đang có tại cửa hàng.
Đây cũng là chiến lược Circle K Việt Nam sử dụng trong giai đoạn COVID-19 vừa qua. Bà Chu Huệ Phương, Giám đốc marketing kỹ thuật số của doanh nghiệp này, cho biết đã sử dụng Messenger Coupon Bot để phát mã giảm giá qua tin nhắn Facebook cho khách hàng mục tiêu, sống trong bán kính 1 km gần các cửa hàng.
Bà đánh giá chiến dịch thành công với tỷ lệ sử dụng mã giảm giá khá cao (78%) và chi phí chấp nhận được (0,16 USD/mã). Hơn 10.000 mã được phát hết trong vòng 2-3 ngày. “Có thể nói việc tiếp cận khách hàng trên môi trường mạng, hướng họ đến không gian cửa hàng vật lý rất khả thi”, bà Chu Huệ Phương chia sẻ.
Thậm chí, đối với mặt hàng có giá trị lớn và cần tính trải nghiệm cao như nệm, ông Craig Schmeizer cũng xây dựng hệ thống bán hàng đa kênh, trong đó đẩy mạnh kênh trực tuyến. Khi khách hàng mua sản phẩm trực tuyến, hãng cho phép thời gian đổi trả kéo dài đến 1 năm để tạo cảm giác an tâm, thay cho việc kiểm tra trực tiếp trước khi mua tại cửa hàng.
Kênh trực tuyến chiếm tỷ trọng 17% tổng doanh số tháng 4 của Vua Nệm, trong khi các tháng 12/2019 và tháng 1 chỉ đạt 5-6%. Ảnh: Lan Anh.
Từ cách đây 1 năm, doanh nghiệp đã lên kế hoạch và tuyển dụng đội ngũ tiếp thị trực tuyến và thương mại điện tử mạnh, đồng thời quyết định phân bổ hơn 50% chi tiêu cho marketing trực tuyến trong vòng 1 năm. Sau giai đoạn COVID-19, ông Craig cho biết kênh trực tuyến chiếm tỷ trọng 17% tổng doanh số tháng 4 của Vua Nệm, trong khi các tháng 12/2019 và tháng 1 chỉ đạt 5-6%.
Theo số liệu mới nhất từ Criteo, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự gia tăng các giao dịch mua bán trực tuyến tại Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung.
Cụ thể, trong tháng 5, dù doanh số bán hàng trực tuyến tại Việt Nam có sự sụt giảm so với giai đoạn giãn cách xã hội trước đó, nhưng vẫn ghi nhận tăng trưởng đều đặn. Đến ngày 31/5, doanh số các kênh trực tuyến tăng 11% so với cùng thời điểm này năm ngoái.
Trong khảo sát với 1.008 người Việt Nam từ ngày 24/4-4/5 của hãng này, 76% người trả lời cho biết tăng mua hàng trực tuyến sau COVID-19. Các mặt hàng được mua nhiều hơn cả là tạp phẩm và đồ dùng vệ sinh cá nhân.
Do đó, ông Steven Nguyễn – Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á của Criteo cho rằng các thương hiệu cần thiết lập quan hệ chặt chẽ với khách hàng trên môi trường trực tuyến thông qua nhiều hình thức tương tác, hoặc đưa ra các gói ưu đãi, chương trình tri ân khách hàng.
Theo Zing