Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) đã đi vào hoạt động được gần 2 năm, nhưng hiện các DN Việt Nam vẫn khá lúng túng để có thể tận dụng được hết lợi thế mà cộng đồng này mang lại. Nguyên nhân không những xuất phát từ bản thân các DN mà còn do thiếu sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.
DN cần có đội ngũ nghiên cứu thị trường đủ mạnh để tìm ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn trong AEC. Ảnh: H.Dịu.
Những doanh nghiệp đi đầu
Chọn lĩnh vực điện gia dụng để sản xuất và XK, ông Lê Khắc Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Gia dụng – điện gia dụng Việt Nam (VNTech) cho biết, mặt hàng gia dụng chịu sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm từ Thái Lan. Do đó, VNTech đã tận dụng các thế mạnh sẵn có về nhân lực, phối hợp với các trường đại học và viện nghiên cứu để tìm ra kỹ thuật tốt nhất, áp dụng một số công nghệ NK từ Mỹ, Nhật Bản nên có chất lượng tương đương, giá thành tương đương, thậm chí thấp hơn so với sản phẩm cùng loại đến từ DN các nước khối ASEAN.
Ngoài ra, để tăng tính cạnh tranh cho mặt hàng, theo lãnh đạo VNTech, VNTech đã chú trọng vào các dịch vụ hậu mãi, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng các dịch vụ chăm sóc khách hàng… Tuy nhiên, hiện DN vẫn gặp khó khăn do chưa tạo được tên tuổi, chưa có thương hiệu cũng như việc một số sản phẩm chưa được chuẩn hóa mang tính quốc tế, nên DN đang tập trung đẩy mạnh XK sang Lào và Campuchia. Vì đây là 2 thị trường dễ tính, gần Việt Nam nên dễ dàng, giảm chi phí vận chuyển. Không những thế, về khâu phân phối, ông Hòa cho hay, bên cạnh phân phối qua các kênh truyền thống là siêu thị, cửa hàng, đại lý, công ty đang phát triển thêm kênh bán hàng online, lựa chọn các nhà phân phối mới rộng khắp khu vực… Nhờ đó, cùng với chính sách thuế ưu đãi, doanh thu của DN đã tăng trưởng 300 lần khi hướng tới XK sang thị trường ASEAN.
Cũng là một DN thành công khi XK sang thị trường ASEAN, ông Nguyễn Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sơn An Hà Tĩnh cho biết, ASEAN tuy là một cộng đồng chung nhưng mỗi nước thành viên lại có thị hiếu khác nhau nên DN phải xây dựng đội ngũ nghiên cứu thị trường, tìm ra dòng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của từng nước. Đặc biệt, DN còn yêu cầu đội ngũ cán bộ nhân viên phải có trình độ ngoại ngữ để tiện trong việc giao dịch.
Để cạnh tranh thành công tại thị trường này, ông Nguyễn Khắc Sơn cho rằng, bên cạnh chất lượng và mẫu mã sản phẩm, các DN phải tìm ra được sản phẩm mang tính khác biệt, chưa có hoặc ít có DN tại các nước thành viên ASEAN sản xuất. Chính vì thế, sản phẩm của Công ty Sơn An là thực phẩm chức năng từ nhung hươu, sản phẩm bổ dưỡng hỗ trợ sức khỏe nhưng lại hoàn toàn từ thiên nhiên nên tạo được lợi thế cạnh tranh khi XK sang ASEAN, bởi các sản phẩm này rất ít DN làm được.
Chủ động nắm cơ hội
Một khảo sát của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) cho biết, chỉ có khoảng 16% DN thực sự hiểu về AEC. Trong khi, AEC luôn được kỳ vọng sẽ giúp các DN trong khởi nghiệp, nâng cao năng lực kinh doanh, giúp các DN tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu với việc trên 90% dòng thuế quan được gỡ bỏ. Chính vì thế, nguyên nhân lớn nhất được các DN phản ánh là do thiếu thông tin, thiếu kiến thức về AEC.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Phi Quân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Thanh Lộc (kinh doanh các mặt hàng nông sản), các DN tại một số nước như Lào, Thái Lan luôn được các cơ quan chức năng cập nhật thông tin về AEC thường xuyên và miễn phí, trong khi các DN Việt Nam vẫn còn khá mù mờ, nếu có thì rất sơ sài, không đúng như kỳ vọng của DN. Vì thế, DN thường phải tự tiếp cận, tìm hiểu thông tin, phong tục cũng như nhu cầu của các nước thành viên.
Do đó, ông Quân kiến nghị, trong thời gian tới, các cơ quan Nhà nước nên thành lập, tổ chức nhiều hơn các đoàn DN đi thăm dò, làm việc với các DN thuộc khối ASEAN. Bởi theo ông Quân, các DN Thái Lan được hỗ trợ và họ có tiềm lực kinh tế nên hàng hóa Thái Lan NK vào Việt Nam rất nhiều, không những thế, các DN Thái Lan còn rất giỏi liên kết với hệ thống phân phối, siêu thị nên có thể chiếm lĩnh thị trường nước khác, còn các DN Việt Nam chưa đủ khả năng để làm được như vậy.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Sơn đề nghị, các cơ quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương nên thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết khoa học công nghệ để hỗ trợ DN Việt Nam tiếp cận nhiều hơn thông tin thị trường ASEAN. Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế cho rằng, DN cũng nên tự chủ động, tự nắm lấy cơ hội và tận dụng thời cơ. “DN chỉ tận dụng được lợi thế của AEC khi thực sự “đặt chân” vào thị trường ASEAN, trở thành “người chơi” trên thị trường đó nhưng phải là người chơi có đủ năng lực. Không những thế, cộng đồng DN không chỉ là người thụ hưởng mà phải trở thành người tham gia đặt ra luật chơi, chủ động quan tâm và đóng vai trò lớn hơn trong định hình ASEAN và AEC vì lợi ích của chính các DN”, GS. Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch ERIA nhận định.
Hương Dịu (Theo Báo Hải Quan)