Đổi mới công nghệ trong ngành nông nghiệp đã đóng góp đến 35% tăng trưởng ngành trong thời gian qua khi các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng khác là lực lượng lao động và quỹ đất ngày một giảm đi, đặc biệt trong ngành sản xuất lúa gạo.

thu-truong-bo-khoa-hoc

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đưa ra tại Hội thảo “Báo cáo kết quả xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ áp dụng cho ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam” do Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Văn phòng các Chương trình Khoa học và Công nghệ Quốc gia tổ chức sáng 10/6.

Trong những năm qua, việc ứng dụng và đổi mới công nghệ đã đưa lúa gạo nước ta không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn ở trong top 3 các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh ngày càng cao cùng với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, ngành cần có những chiến lược đổi mới và phát triển công nghệ phù hợp, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi nền nông nghiệp từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến một nền nông nghiệp sản xuất theo chuỗi hàng hóa, có giá trị gia tăng cao.

Cũng vì lý do này, Chương trình Đổi mới công nghệ Quốc gia đã lựa chọn giao cho các đơn vị tiến hành xây dựng một chuỗi các nhiệm vụ liên quan từ việc hoàn thiện quy trình, phương pháp xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ; tổ chức triển khai xây dựng cho một số ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng; nghiên cứu chọn tạo giống lúa thuần chống chịu mặn-hạn thích nghi với điều kiện canh tác lúa vùng nhiễm mặn thuộc Đồng ​bằng ​sông Cửu Long.

Theo đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, việc xây dựng bản đồ công nghệ là cách tiếp cận phù hợp trong việc đánh giá toàn diện và khách quan hiện trạng, năng lực công nghệ trong các ngành, lĩnh vực sản xuất, cụ thể ở đây là chọn tạo và sản xuất giống lúa trong nông nghiệp.

Thông qua bản đồ công nghệ, các đơn vị liên quan có thể nhận diện rõ ràng, chính xác những vấn đề của Việt Nam (như đang sở hữu những công nghệ nào, ở đâu? Khoảng cách của chúng ta so với các nước ra sao? Có thể sản xuất được sản phẩm nào ở trong phân khúc thị trường nào? Năng lực vận hành, năng lực nghiên cứu ở Việt Nam đến đâu?…), để có những bước đi phù hợp để phát triển ngành bền vững.

Theo tiến sỹ Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, năm 2016 hoàn thành bản đồ công nghệ ngành chọn tạo giống lúa; ngành sản xuất vắc-xin; 2017-2018 là bản đồ lĩnh vực công nghệ gen; tế bào gốc; ngành sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử, bán dẫn… và tới 2020 sẽ cơ bản hình thành hệ thống bản đồ công nghệ các ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng của đất nước.

Theo Nhịp sống số.