Ở một xã vùng sâu không có điện, điều kiện đi lại khó khăn nhưng anh Đỗ Quý Hạo (Hòn Đất, Kiên Giang) vẫn tìm cách kết nối Internet, mở trang web bán hàng và quảng bá thương hiệu.
Ðưa khoai ra thị trường mới
Sinh ra trong một gia đình nghèo có nhiều anh chị em nên anh Hạo chỉ được học đến lớp 7, sau đó phải đi làm công cho bà con xung quanh. Sau nhiều năm dành dụm nhờ nghề giữ ruộng khoai lang, anh mua được 1 ha đất nằm sát trong một con kênh đào. Nhờ có kinh nghiệm nên vụ khoai nào anh cũng trúng lớn, anh mua thêm 3 ha đất nữa. Đến khoảng năm 1993, bất ngờ mầm bệnh, dịch hại trên khoai lang bùng phát dữ dội. Hàng trăm hộ trắng tay vì khoai bị sâu bệnh, đành phải bỏ rẫy ngậm ngùi.
“Lúc đó làm thì cũng chết, mà không làm thì cũng chết. Nghe đài thấy kỹ sư nông nghiệp chữa được bệnh khoai. Thế là tôi quyết tâm đi học cách trừ bệnh cho khoai” – anh Hạo kể.
Thế là từ năm 1996-2005, anh trở thành sinh viên dự thính của các trường đại học ở Cần Thơ, An Giang, rồi Đại học Nông lâm TP.HCM. Khi bắt đầu tiếp thu được kiến thức, anh Hạo gom tiền dành dụm được hơn 30 triệu đồng lên TP.HCM mua kính hiển vi, ống nghiệm, các hóa chất và vật dụng cần thiết để làm thí nghiệm.
Từ cái học được, anh Hạo còn có những sáng kiến độc đáo, hễ thấy hiện tượng lạ, anh Hạo đem mẫu vào xem qua kính hiển vi, ghi chép và theo dõi. Cái nào không biết, anh hỏi thêm các nhà khoa học. Nông dân xung quanh gặp việc bất thường trên đồng ruộng là gọi anh ngay.
Không những thế, từ khi đi học và từ khi có phòng thí nghiệm thì rẫy khoai lang anh Hạo lúc nào cũng bội thu. Khoai anh lúc nào cũng được thương lái mua cao hơn vài trăm đồng so với những hộ nông dân khác, lái buôn ai thấy khoai của anh là tranh nhau đặt hàng. Vụ nào anh cũng thu được gần nửa tỉ đồng. Dân trong vùng cho anh cái biệt danh “vua khoai lang”. Có sản phẩm nhưng đầu ra còn hạn chế, anh Hạo tự quyết định khai thác kinh doanh. Đầu tiên anh phát triển trang trại thành mô hình doanh nghiệp, kế đến là tiếp thị sản phẩm.
Khoai lang lên web
Anh Hạo cho biết: “Trang trại ở vùng sâu, vùng xa, không thể tiếp xúc với thương lái nên việc quảng bá khoai trên trang web vô cùng hiệu quả. Không ít người trồng khoai muốn xuất khẩu nhưng đa phần không biết quảng bá thương hiệu nên phải qua các thương lái, vì vậy bán hàng giá rất bèo. Chính người nông dân cần phải tiếp thị sản phẩm của mình thì mới thoát khỏi cò”.
Từ một trang trại vài hecta, hiện tại trang trại anh Hạo có quy mô gần 100 ha khoai, từng cung ứng cho các công ty xuất khẩu và nhà máy chế biến thức ăn nhanh. Thông thường, sản lượng khoai cung cấp cho Vinamit khoảng 35%, Antesco 20%, thương nhân Campuchia 30%.
Nhờ quảng bá thêm trên web, hai năm nay tỉ lệ này thay đổi khi thương nhân từ Trung Quốc tới tận trang trại của anh để đặt hàng. “Họ xem các sản phẩm được giới thiệu trên web, sau đó cử người đại diện đến mua. Quả thật việc tiếp thị sản phẩm là hết sức hiệu quả” – anh Hạo cho hay.
Để bán được lượng lớn sản phẩm cho các đối tác này, anh Hạo đã tự điều chỉnh lịch trình các mùa vụ theo mùa nghịch thu hoạch tránh mùa thu hoạch khoai ở Trung Quốc rồi tìm cách kéo dài mùa thu hoạch khi Trung Quốc hết mùa. Từ ý tưởng sản xuất mới, thu hoạch khoai lang trái mùa, anh đã xuất khẩu số lượng khoai khổng lồ sang Nhật và Trung Quốc, nơi chiếm 80% sản lượng khoai giao dịch toàn cầu.
Anh Hạo cho biết hiện mỗi năm anh xuất khẩu 3.000 tấn khoai sang các thị trường khác. Anh Hạo cho biết con số này sẽ còn tăng khi việc quảng bá thương hiệu ngày càng phát triển.