One Mount Group vừa tung ra ứng dụng Vinshop phục vụ cửa hàng tạp hóa truyền thống.

Vinshop sẽ trở thành dịch vụ “một cửa” cho các chủ cửa hàng tạp hóa.

 

Nếu thành công, One Mount Group có thể nắm được luồng hàng hóa của kênh bán lẻ đang chiếm hơn 70% nhu cầu tiêu dùng của các hộ gia đình ở Việt Nam.

Vì sao là cửa hàng tạp hóa truyền thống?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019, doanh thu bán lẻ toàn quốc đạt gần 162 tỷ USD. Dù đầu tư rất lớn vào các chiến dịch thu hút người sử dụng, nhưng sau 4 năm gia nhập, các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch hàng hóa chỉ chiếm hơn 20% thị phần bán lẻ. Hơn 70% còn lại nằm trong tay các kênh bán lẻ truyền thống, cụ thể là 1,5 triệu cửa hàng bán lẻ truyền thống và hơn 9.000 chợ truyền thống trên toàn quốc.

Nguyên nhân, theo Kantar Worldpanel Việt Nam, là do thói quen mua hàng từ tiệm tạp hóa đã hình thành rất lâu, nhất là ở các vùng nông thôn, cùng với chi phí vận hành thấp, nên giá bán hàng hóa cạnh tranh hơn so với kênh hiện đại. Khảo sát của Kantar Worldpanel năm 2019 cho biết, 92% người được hỏi thích mua hàng tại các cửa hàng tạp hóa truyền thống.

Ngành bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số gần 100 triệu người. Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, chi tiêu hộ gia đình Việt Nam đã tăng trung bình 10,5%/năm và đạt mức hơn 700 USD/tháng vào năm nay.

Song để chạm đến nhóm khách này thì cần nguồn lực vô cùng lớn, vì thị trường rất phân mảnh và phần lớn chủ tiệm tạp hóa chưa từng tiếp cận công nghệ. Vì thế, việc Vinshop ra mắt đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp trong ngành. Trước mắt, ứng dụng phục vụ những chủ kinh doanh tạp hoá trong quản lý hàng tồn kho, thống kê doanh thu bán hàng hay đặt hàng từ nhà cung cấp.

Một vị giám đốc bán lẻ cho biết, cần nhìn về bản chất cửa hàng tạp hoá truyền thống là người chủ đứng ra kinh doanh, phần lớn tận dụng mặt bằng sẵn có để buôn bán, nên họ quan tâm hai vấn đề là nguồn hàng cạnh tranh và bán hàng nhanh nhất. Hiện các giải pháp trên thị trường chỉ chú trọng vào phần thứ hai, tức cung cấp giải pháp quản lý bán hàng cho các cửa tiệm tạp hoá.

Vị này cho rằng, không loại trừ khả năng One Mount Group sẽ tham gia đáp ứng cả hai nhu cầu và nếu vậy, Vinshop sẽ trở thành dịch vụ “một cửa” cho các chủ cửa hàng tạp hóa khi cung cấp từ phần mềm quản lý đến nguồn hàng.

Cuộc chiến nắm dữ liệu người sử dụng

Dữ liệu người sử dụng được xem là nguyên nhân chính cho sự ra đời của VinShop. Ông Nguyễn Lương Bằng, sáng lập Datalytics, đơn vị cung cấp dịch vụ tối ưu quảng cáo dựa trên dữ liệu cho rằng, có hai cách để thu thập dữ liệu phổ biến hiện nay: thu thập dữ liệu dựa trên hành vi, đại diện của nhóm này là Facebook, Google; thu thập dữ liệu dựa trên các giao dịch phát sinh và các doanh nghiệp đại diện cho nhóm này không ai khác là Grab, Shopee, Lazada…

Nhiều khả năng, Vinshop đang tham gia thu thập dữ liệu người sử dụng theo cách thứ hai. Đây là cách làm hợp lý khi không phải cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp đi trước. Hơn nữa, với hơn 70% doanh thu bán lẻ chảy vào các kênh truyền thống, sẽ giúp dữ liệu người sử dụng Vinshop, hay nói đúng hơn là One Mount Group (đơn vị đang quản lý VinID, VinID Pay) phong phú hơn.

Vẫn còn quá sớm để đánh giá khả năng thành công của VinShop, nhưng nếu nhìn vào quá trình chọn lựa nhân sự tham gia từ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ đầu ngành ở Việt Nam trong thời gian qua, có thể thấy, One Mount Group rất nghiêm túc trong “cuộc chiến” này.

 

Theo Báo Đầu Tư