Theo dự báo của The Economist, nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu tác động của chủ nghĩa bảo hộ, khiến doanh số bán lẻ cũng phải chịu ảnh hưởng theo.

Xung đột thương mại Mỹ – Trung sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh số bán lẻ ở cả hai nước trong năm 2019, đặc biệt là Trung Quốc. Năm 2019, tâm lý người tiêu dùng và doanh số bán hàng dễ bị ảnh hưởng bởi nền chính trị biến động, với rủi ro chính là chiến tranh thương mại.

 

Theo dự báo, nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu tác động của chủ nghĩa bảo hộ, khiến doanh số bán lẻ cũng phải chịu ảnh hưởng theo. Người dùng tiếp tục bị hấp dẫn bởi các kênh mua sắm trực tuyến, thay vì các cửa hàng truyền thống như trước đây. Bên cạnh đó, những áp lực về giá cũng lớn hơn do sự gia tăng các rào cản thương mại.

 

Một số dự báo về ngành bán lẻ trong năm 2019

– Tăng trưởng bán lẻ toàn cầu là 2,8% trong năm 2019, giảm so với mức dự đoán 2,9% trước đó

– Tăng trưởng doanh số bán lẻ ở Mỹ là 2,4%, cùng mức với năm 2018

– Nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tranh chấp thương mại là Trung Quốc. Tăng trưởng doanh số bán lẻ ở Trung Quốc là 6,1%, giảm so với mức 6,7% trước đó

 

Ngành bán lẻ toàn cầu phát triển không đồng đều

 

Các chính sách thương mại của Donald Trump không đủ sức tác động lên thị trường bán lẻ Mỹ vào năm 2019. Mặc dù giá của một số mặt hàng có thể cao hơn do thuế quan, người tiêu dùng vẫn không gặp nhiều khó khăn trong việc mua sắm do thu nhập tăng, trong khi thất nghiệp và lạm phát thấp. Kết quả, Mỹ vẫn là trung tâm tiêu thụ lớn nhất thế giới, chiếm hơn 1/5 doanh số bán lẻ toàn cầu vào năm 2019.Dự kiến, doanh số bán lẻ toàn cầu trong năm nay đạt 20 nghìn tỷ USD.

Doanh số bán lẻ theo khu vực trong năm 2018 và 2019 (Ảnh: EIU)

 

Tại thị trường bán lẻ lớn thứ hai, Trung Quốc, tăng trưởngchi tiêu tiêu dùng trước đây là 7,3%, năm nay chỉ là 3%. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là triển vọng về ngành bán lẻ Trung Quốc đang giảm bớt. Trước khi chiến tranh thương mại bùng nổ, dự kiến doanh số bán lẻ sẽ tăng 6,7% trong năm 2019. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng mới sẽ ở mức 6,1%.

 

Ở Tây Âu, việc bán hàng trở nên ảm đạm do sự nhạy cảm về giá, sự gia tăng liên tục của các cửa hàng giảm giá khiến chi tiêu bị hạn chế. Tại Anh, dự kiến doanh số bán lẻ sẽ giảm 0,7%.

 

Trong khi đó, sau thời kỳ giá dầu giảm thấp từ năm 2014 – 2016 và tình trạng chậm phát triển sau đó, Trung Đông và châu Phi sẽ có sự phục hồi, tuy nhiên, sự phục hồi này vẫn còn chậm. Những rủi ro chính trị cũng tồn tại ở khu vực này. Tương tự, giá dầu thấp khiến cho đồng tiền khu vực Mỹ Latinh suy yếu, đẩy nhanh lạm phát, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin người tiêu dùng.

 

4 năm sau cuộc khủng hoảng Ukraine và sáp nhập Crimea vào Nga, doanh số ở các nền kinh tế chuyển đổi tại Trung và Đông Âu bắt đầu tăng trưởng. Nhu cầu tiêu dùng cao và sự phục hồi giá dầu toàn cầu là tín hiệu tốt cho doanh số bán lẻ ở khu vực này.

 

Tuy nhiên, khu vực tăng trưởng nổi bật là châu Á. Mặc dù người tiêu dùng châu Á không có xu hướng mua sắm nhiều và dễ bị dao động và môi trường kinh doanh cũng khá khó khăn. Tuy nhiên, do tình hình ảm đạm ở các phố buôn bán của phương Tây và sự hỗn loạn ở những nơi khác, châu Álà sự lựa chọn an toàn cho nhiều người.

 

Doanh số bán lẻ ở châu Á sẽ tăng 4,4% trong năm 2019, mặc dù doanh số tại Trung Quốc giảm. May mắn thay, doanh số tại các thị trường khác như Việt Nam, Philippines, Indonesia và Malaysia sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, chỉ có Ấn Độ đủ sức “gánh” được sự giảm sút của Trung Quốc.

 

Các cửa hàng trên thế giới bán gì trong năm 2019?

 

Lĩnh vực thương mại điện tử Ấn Độ đang phát triển nhanh chóng. Ngành bán lẻ trên internet sẽ tiếp tục mang đến nhiều bất ngờ trong năm 2019, mang đến nhiều cơ hội cho những người thành công trong lĩnh vực này, ngược lại, cũng khiến những người thất bại rơi vào tình cảnh bế tắc.

Nhu cầu thị trường cho từng mặt hàng trong năm 2018 và 2019 (Ảnh: EIU)

 

Năm 2019, xà phòng và mỹ phẩm dự kiến đứng đầu trong nhu cầu thị trường. Điện tử tiêu dùng cũng như thiết bị âm thanh gia đình và thiết bị video cũng chiếm thứ hạng cao. Tuy nhiên, năm nay lĩnh vực thực phẩm và đồ uống có thể bị cắt giảm do thuế tăng và các vấn đề khác về nguồn cung.

 

Tăng trưởng về tiêu thụ thực phẩm và đồ uống đang chậm lại, đặc biệt là mặt hàng đồ uống có cồn, bình quân tiêu thụ đầu người giảm dần. Nhìn chung, ngành thực phẩm và đồ uống đang đối mặt với một loạt thách thức: Hàng hóa có thương hiệu rẻ hơn, những sản phẩm thủ công đắt tiền hơn, các hãng start-up xuất hiện trong phân khúc cao cấp, nhiều hàng hóa đến từ các doanh nghiệp thuộc thị trường mới nổi.

 

Người tiêu dùng ngày càng ưa thích những sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe. Vì vậy, các cơ quan quản lý sẽ thắt chặt việc giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, và đây trở thành một thách thức mới cho các nhà chế biến thực phẩm.

 

Châu Anh (Theo NDH/The Economist)