Hội nghị Chuyên đề Kinh tế toàn cầu 2014 (GES) được tổ chức bởi học viện Kiel (Đức) cùng các tập đoàn hàng đầu thế giới, diễn ra tại Khách sạn Shangri-La, Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 6/9 đến 8/902014. Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn là một trong hai đại biểu Việt Nam đầu tiên được mời làm diễn giả tại Hội nghị này.
GES 2014 có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ hơn 30 quốc gia
Chủ đề chính của GES 2014 là “Tái cấu trúc nền kinh tế và thay đổi xã hội” với 46 phiên thảo luận. Nội dung chủ yếu sẽ xoay quanh giải pháp cho những vấn đề mà thế giới gặp phải do tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của khoa học – công nghệ, sự biến đổi xã hội và thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu.
Chủ đề chính của GES 2014 là “Tái cấu trúc nền kinh tế và thay đổi xã hội”
Tại sự kiện này, Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn cùng Cựu Bộ trưởng Lao Động Thụy Điển và Chánh văn phòng Bộ Giáo dục Malaysia thảo luận về sự thay đổi của giáo dục trong kỷ nguyên số.
GES 2014 có sự tham gia của hơn 200 đại biểu, trong đó có 21 bộ trưởng, cùng nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn và đại diện các hãng thông tấn trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, Hội nghị còn có sự góp mặt của 4 đại biểu từng nhận giải Nobel, đại diện 20 trường đại học (ĐH) lớn như: Stanford, Maryland, Columbia…, cùng các tổ chức xã hội và cộng đồng.
Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Tổ hợp Công nghệ Giáo dục TOPICA chia sẻ tại GES 2014
Với tư cách là đại diện Tổ hợp Công nghệ Giáo dục TOPICA – đơn vị duy nhất của Đông Nam Á cung cấp công nghệ và dịch vụ cử nhân trực tuyến chất lượng cao cho các trường ĐH; Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn đã phát biểu về tác động của E-Learning tới nền giáo dục của các nước Đông Nam Á. Phần chia sẻ của Tiến sĩ Tuấn thu hút đông đảo sự quan tâm từ phía đại biểu.
Ông Tuấn cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, hàng trăm trường đại học hàng đầu trên thế giới đều tập trung phát triển mạnh E-Learning, trong đó có các trường đưa ra nhiều khoá học mở đại trà (MOOC) như Harvard, Stanford, và nhiều trường khác đưa ra các chương trình E-Learning cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, như Berkeley, Georgia Tech, Maryland… E-Learning hứa hẹn đem lại cơ hội học tập chất lượng cao, chi phí hợp lý cho sinh viên toàn cầu, trong đó có các nước đang phát triển. Thách thức lớn nhất đối với các trường đại học ở Đông Nam Á là làm sao xây dựng các hệ thống công nghệ, đội ngũ giảng viên bản địa, hỗ trợ học viên, và tận dụng các bài giảng mở của các trường ĐH Mỹ để bản địa hoá, đưa vào giảng dạy mà duy trì được tỷ lệ giữ chân và hiệu quả học tập cao.
Theo Giáo sư Edward Lazear, GS. Nhân lực và Kinh tế, ĐH Stanford, người từng đạt giải Adam Smith: Đào tạo trực tuyến đã hiện diện từ rất lâu. Tại trường tôi giảng dạy, ĐH Stanford đã dùng đào tạo trực tuyến cho giảng dạy các ngành kỹ thuật khoảng 20 năm nay. Trường kinh doanh của Stanford cũng đang bắt đầu tham gia, các đơn vị khác cũng bắt đầu tham gia. Nó là vấn đề mức độ lan tỏa, xu thế này đã bắt đầu, nó sẽ lan tỏa đến đâu chúng ta sẽ được chứng kiến trong thập kỷ tới. Tôi không hề nghi ngờ gì là E-learning sẽ là một sức mạnh tích cực, và nó sẽ cất cánh.
Trong buổi thảo luận, các đại biểu tham dự thực sự ấn tượng, khi TOPICA là đơn vị đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu công nghệ E-learning ra nước ngoài, cho đối tác AMA University – ĐH lớn nhất Philippines với 300.000 sinh viên. Cho đến nay TOPICA cũng là đơn vị duy nhất ở Đông Nam Á cung cấp công nghệ và dịch vụ đồng bộ cho chương trình Cử nhân trực tuyến của các trường ĐH. TOPICA còn cung cấp Topmito, chương trình đầu tiên trên thế giới cho phép luyện nói tiếng Anh qua Google Glass và máy tính, điện thoại di động; và Casec, hệ thống đánh giá năng lực Tiếng Anh được xây dựng dựa trên những nghiên cứu của Hiệp hội đánh giá năng lực Tiếng Anh (STEP) và được phát triển bởi Viện đo lường giáo dục Nhật Bản (JIEM). TOPICA Founder Institute là chương trình ươm tạo khởi nghiệp đầu tiên ở Việt Nam có các startup gọi vốn thành công hàng triệu USD như Appota, HSP Yton.
Được biết, TOPICA hiện có đội ngũ 400 nhân viên, 1100 giảng viên và 100 cộng tác viên. Môi trường làm việc TOPICA khuyến khích tinh thần “Được làm vua, thua làm hiệp sĩ” để có thể đưa những công nghệ và phương pháp mới nhất vào áp dụng. Hơn 1000 quản lý, chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, tổ chức đã tham gia giảng dạy, đóng góp rất cụ thể vào việc “gắn kết doanh nghiệp với nhà trường”. Có giảng viên là lãnh đạo ngân hàng rất bận rộn, nhưng vẫn dành hơn 800 giờ một năm để giảng dạy online, tức là gần 3 giờ một ngày, và trả lời hàng ngàn câu hỏi của sinh viên.
Về lý do mời TOPICA chia sẻ tại GES 2014, thành viên Ban tổ chức, Tiến sĩ Jörg Dräger, đồng thời là thành viên Ban Giám đốc Tập đoàn Bertelsmann Stiftung, Đức, cho biết: Chúng tôi đang tìm kiếm những đơn vị có kinh nghiệm và thành công trong lĩnh vực giáo dục ở Châu Á. Đó là lý do tại sao chúng tôi tìm đến TOPICA. Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể học hỏi từ TOPICA cách mở rộng giáo dục trong môi trường như Việt Nam, như Philippines, và có thể là cả Ấn Độ, nơi mà khả năng tiếp cận, chi phí là vấn để và chúng tôi cần đưa giáo dục chất lượng cao tiếp cận với đông đảo người dân. Qua buổi thảo luận ngày hôm nay, Ban tổ chức thực sự ấn tượng với những gì TOPICA đang làm.
Thương mại điện tử đang bùng nổ và là xu hướng phát triển tất yếu hiện nay. Nhờ các tiến bộ về công nghệ thông tin, các lĩnh vực kinh tế truyền thống dang dần dần thay đổi để thích nghi theo hướng số hoá, và giáo dục – đào tạo cũng không phải là ngoại lệ. Có thể nói, đào tạo trực tuyến, hay E-learning chính là hướng đi tương lai của giáo dục, tạo điều kiện cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được với tri thức mới một cách nhanh chóng, đầy đủ và toàn diện nhất.
Theo Dantri