Tới dự buổi Hội thảo, về phía Ban Tổ chức, có sự góp mặt của các thành viên trong Ban Pháp chế – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VAIC) và ông Võ Văn Tuyển – Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, cũng là thành viên trong Ban soạn thảo Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Về phía các đại biểu, có sự tham dự của đại diện các Hiệp hội ngành nghề, đại diện một số doanh nghiệp và một số công ty luật, luật sư có uy tín.

Đại diện Ban Tổ chức trình bày những điểm mới trong nội dung Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi)

Buổi Hội được tổ chức nhằm thu thập các đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) (được bắt đầu soạn thảo từ tháng 4/2012 và dự kiến ban hành chính thức năm 2015); trong đó tập trung nhấn mạnh vào vai trò của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tham gia xây dựng các văn bản chính sách pháp luật. Đây là vấn đề được các đại biểu, đại diện doanh nghiệp rất quan tâm, bởi những tác động trực tiếp của các văn bản tới hoạt động của doanh nghiệp.

Ở Dự thảo Luật sửa đổi lần này, đã có một số nội dung mới so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 như: điều chỉnh phạm vi của Luật (bổ sung thêm “tổ chức thi hành VBQPPL”); điều chỉnh các khái niệm; thu gọn các hình thức VBQPPL (từ 28 loại xuống còn 13 loại) và chủ thể có thẩm quyền ban hành (từ 19 xuống còn 13); bên cạnh đó tăng cường vai trò trong việc lấy ý kiến và phản biện xã hội của các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), v.v …

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI trình bày về thực tiễn tham gia xây dựng chính sách pháp luật của các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Sau phần trình bày tổng quan của Ban Tổ chức, đại diện của các hiệp hội, doanh nghiệp đã tiến hành phát biểu và thảo luận. Nhìn chung, các ý kiến được nêu ra tập trung ở các vấn đề như tính công khai, minh bạch trong quy trình trình, xây dựng, soạn thảo, ban hành… các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như vai trò tham gia lấy ý kiến của các doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo các văn bản. Các vấn đề như làm thế nào để giảm tình trạng “làm luật”, “lợi ích nhóm”, “vừa đá bóng vừa thổi còi”… cũng rất được quan tâm và đưa ra bàn luận.

Các đại biểu tham dự buổi Hội thảo: Đại diện các hiệp hội ngành nghề như Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Điện Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp: Công ty tư vấn VFam, Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Apollo Việt Nam, Công ty Luật Russin & Vechi, Công ty Luật Baker McKenzie, v.v …

Hầu hết các đại biểu đều đồng tình với quan điểm: cần phải có những quy định rõ ràng về việc quyền hạn ban hành các văn bản (Nghị định, Thông tư…); về hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật. Đại diện các doanh nghiệp cho biết, những vấn đề vướng mắc nhất với doanh nghiệp hiện nay là việc có quá nhiều luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung và thay thế, các văn bản hướng dẫn không được ban hành kịp thời làm doanh nghiệp (thậm chí chính các cơ quan quản lý Nhà nước) cũng gặp phải tình trạng lúng túng không biết phải áp dụng văn bản nào. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra rằng việc lấy ý kiến của cá nhân, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, soạn thảo luật cũng chưa được thực hiện một cách dân chủ, công khai; cần có những quy định rõ ràng về quy trình, cách thức, thời gian cũng như cơ chế phản hồi cho doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến cho các dự thảo luật. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng việc ban hành Luật sửa đổi này là không cần thiết, bởi tác động của nó là quá ít, không thay đổi được thực tế ban hành các văn bản hiện nay tại Việt Nam.

Kết thúc buổi Hội thảo, không ít vấn đề đã được nêu ra và sẽ được Ban soạn thảo Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL tiếp tục thảo luận, xem xét kỹ lưỡng. Một câu hỏi lớn vẫn được đặt ra là: Liệu Luật sửa đổi này có giúp gia tăng vai trò của các doanh nghiệp trong việc tham gia góp ý, xây dựng các văn bản chính sách? Nếu có thể tham gia, thì sẽ tham gia vào giai đoạn nào, và tham gia như thế nào?

VECOM