Logistics xanh đang trở thành xu hướng toàn cầu. Ảnh: TL.
Hiện nay, Việt Nam vào Top 10 thị trường logistics mới nổi thế giới (Emerging Markets Index 2023) theo xếp hạng của nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility. Dự báo tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm của ngành giai đoạn 2022-2027 đạt 5,5%.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đánh giá logistics là ngành dịch vụ có vai trò thiết yếu, đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Tuy nhiên, ngành này vẫn còn hạn chế, chưa phát triển tương xứng với điều kiện và tiềm năng phát triển.
Đơn cử, theo tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics Việt Nam trung bình ở mức 16,8-17%, vẫn còn cao hơn bình quân của thế giới (khoảng 10%). Một số nguyên nhân như năng lực và hạ tầng logistics còn hạn chế, thiếu đồng bộ, liên kết giữa các phương thức vận tải.
Tại Diễn đàn, để góp phần giải quyết các điểm nghẽn, đưa ngành logistics cất cánh, ông Phạm Hải Anh, Phó Tổng Giám đốc Sowatco, Thành viên Sotrans Group, Thành viên Tập đoàn ITL đề xuất việc tận dụng hơn nữa hệ thống sông ngòi sẵn có ở các đồng bằng thông qua phương thức vận chuyển sà lan kết hợp với phát triển hệ thống cảng cạn, ICD có bến kết nối với sà lan.
Ông Phạm Hải Anh, Phó Tổng Giám đốc Sowatco, Thành viên Sotrans Group, Thành viên Tập đoàn ITL đề xuất giải pháp tại Diễn đàn Logistics Việt Nam. |
Đề xuất này của ông Hải Anh xuất phát từ kinh nghiệm thực tế không chỉ đang triển khai tại Sotrans Group mà còn ở toàn bộ ITL. Là chuyên gia cung cấp dịch vụ logistics tích hợp hàng đầu tại Việt Nam và khu vực, ITL sở hữu hệ sinh thái logistics mở, giúp mang đến nhiều giải pháp vận chuyển linh hoạt theo nhu cầu khách hàng.
Hệ sinh thái mở này được xây dựng trên 3 yếu tố: kết nối hệ thống, quy trình vận hành và cơ sở hạ tầng, đã được ITL hoạch định nhiều năm và liên tục tục phát triển. Trong đó, để mở rộng hệ sinh thái hiệu quả, ITL gia tăng nguồn lực bằng cách cộng hưởng với các doanh nghiệp lớn trong ngành.
Ông Alexander Olsen, Phó Chủ tịch Khối Vận tải Quốc tế và Thương mại của ITL, cho biết Tập đoàn vẫn không ngừng nâng cao năng lực đội phương tiện và hạ tầng để đáp ứng tốt nhất các nhu cầu vận chuyển đa phương thức của khách hàng.
Hướng đi này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam về mặt chi phí mà còn thực hiện mục tiêu quan trọng về xanh hóa nền kinh tế. Với một hệ sinh thái hoàn chỉnh và rộng mở, các giải pháp vận chuyển sẽ không ngừng cải thiện hiệu quả về năng lượng và hiệu suất.
“Logistics xanh đang trở thành xu hướng toàn cầu. Tại ITL, việc liên tục mở rộng hệ sinh thái là một trong những hành động thể hiện cam kết góp phần vào hiện thực hóa logistics xanh tại Việt Nam, cùng hướng đến mục tiêu lớn của chính phủ về trung hòa carbon vào năm 2050”, ông Alexander Olsen khẳng định.
Nguồn: https://nhipcaudautu.vn/