Suốt từ giai đoạn cuối năm 2010 trở lại đây, game online đã bị ngừng cấp phép tại Việt Nam, điều này đã khiến các doanh nghiệp trong nước lao đao vì tình hình kinh doanh khó khăn. Tận dụng “lợi thế” này, game lậu, đặc biệt là sản phẩm của những nhà phát hành nước ngoài đã thoải mái thu lợi hàng tỷ đồng từ game thủ Việt.

Trong những năm trở lại đây, game lậu đến từ các nhà phát hành quốc tế xâm nhập vào Việt Nam hầu hết đều là các phiên bản được Việt hóa, đặt máy chủ ở nước ngoài và thu tiền người chơi thông qua thẻ cào điện thoại của các nhà mạng hoặc thẻ quốc tế visa, master…

“Hiệp khách Tam quốc”, một trong những tựa game lậu của nhà phát hành nước ngoài đã bị đóng cửa.

Thậm chí có những nhà phát hành còn mạnh tay hơn khi thuê hẳn người đại diện lập công ty để phát hành game của mình ngay tại Việt Nam. Trong đó máy chủ được đặt luôn tại trong nước nhằm hạn chế tình trạng lag hoặc quá tải khi người chơi tham gia game cũng như thông qua các cổng thanh toán trực tuyến Việt để thu phí game thủ.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 3/2014, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Bộ Công An đã cùng phối hơp triệt phá 2 doanh nghiệp Việt Nam phát hành game lậu của các hãng game đến từ Trung Quốc.

Cụ thể, với công ty Afoo có trụ sở ở TP. HCM, do Lê Ngọc Anh Tuệ đứng tên làm chủ đại diện và kiêm chức vụ giám đốc từ tháng 9/2012 đến tháng 5/2013. Tuy nhiên, từ tháng 5/2013 đến hiện tại lại chịu sự quản lý và điều khiển hoạt động của một người Trung Quốc. Được biết người này là đại diện của công ty game Trung Quốc – Lemon Game, và các game được Afoo phát hành trong nước đều đến từ hãng này.

Trong quá trình hoạt động của Afoo, Tuệ chỉ đóng vai trò một nhân viên bình thường và được trả lương hàng tháng giống như các nhân viên khác. Còn các hợp đồng kinh tế, con dấu và đối soát thanh toán đều do vị giám đốc người Trung Quốc nắm giữ.

Mặc dù vậy, trong quá trình kiểm tra, các hợp đồng thuê máy chủ của Afoo đều có chữ ký của Lê Ngọc Anh Tuệ dưới chức danh Giám đốc công ty. Tuy nhiên Tuệ khẳng định đây không phải chữ ký của mình, đồng thời cho rằng mình không hề biết các hợp đồng này.

Còn đối với công ty mà nhà phát hành Trung Quốc, Koramgame núp bóng lại tinh vi hơn. Theo đó, đơn vị này đã thuê Nguyễn Nam Tiến đứng tên thành lập 3 công ty khác nhau để cung cấp 4 game trực tuyến của Koramgame tại thị trường Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động, Tiến làm giám đốc của 2 trong số 3 công ty, các hợp đồng thuê máy chủ, đối soát thanh toán với các cổng thanh toán của Việt Nam đều do người này trực tiếp ký kết và xử lý. Đồng thời công việc đều được báo cáo thường xuyên với trụ sở Koramgame tại Trung Quốc.

Mô hình hoạt động chung của các nhà phát hành Trung Quốc này là lập công ty tại Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thuê máy chủ và đối soát thanh toán chi phí của người chơi. Tuy nhiên đội ngũ vận hành game đều được diễn ra từ tận Trung Quốc.

Mặc dù không được trực tiếp can thiệp vào game nhưng các công ty được mượn danh ở Việt Nam sẽ được hưởng từ 20 đến 25% doanh thu. Nguồn thu này đến từ việc thanh toán bằng thẻ cào điện thoại, thẻ FPT, thẻ VNG …

Về doanh thu, chỉ tính riêng một công ty con của Koramgame, mặc dù chỉ kinh doanh 3 game nhưng trong quãng thời gian từ 5/2013 đến 2/2014 đã thu về được xấp xỉ 3 tỷ đồng.

Mặc dù chưa có thống kê chính xác về số tiền mà Koramgame và Lemon Game thu được từ tất cả các game lậu đã kinh doanh ở Việt Nam nhưng nhiều khả năng con số này không chỉ là vài tỷ đồng.

Đại diện mỗi nhà phát hành trong nước cho biết, các đơn vị ngoại quốc như trên luôn tìm đủ mọi cách nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Ngay cả khi đóng cửa một công ty của họ, ngay lập tức một công ty khác sẽ được lập ra để tiếp tục kinh doanh.

Game lậu đang thu lợi rất lớn từ game thủ Việt (Ảnh minh họa).

Theo thống kê gần đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có khoảng 73 tựa game online được cấp phép hoạt động. Nhưng theo số liệu từ các doanh nghiệp trong nước, ở thị trường Việt đang có tới gần 300 game online đang mở cửa dành cho người chơi, từ đó có thể thấy hơn 75% trong số này là game lậu.

Với con số game lậu lớn đến như vậy, ước tính số tiền mà game thủ Việt phải bỏ ra cho những trò chơi dạng này có thể lên tới hàng chục tỷ mỗi tháng. Một con số quá lớn và đáng mơ ước đối với ngay cả các công ty game hàng đầu trong nước hiện nay

Nói về tình trạng này, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình & Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng tình trạng game lậu xuất hiện tràn lan trên thị trường đã gây ra sự bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp cung cấp game trong nước khi phần lớn doanh thu đều chảy vào túi các nhà phát hành game lậu.

Theo kiến nghị của các nhà phát hành game trong nước, để hạn chế tình trạng game lậu đang hoành hành hiện nay, cơ quan quản lý cần phải đẩy mạnh các hoạt động thanh kiểm tra những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời cần sớm cấp phép trở lại cho game online của các doanh nghiệp trong nước nhằm tạo ra môi trường chăm sóc chuyên nghiệp dành cho game thủ Việt.

Theo báo Đời sống & Pháp luật