Hiện nay, Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên.Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/20056/NĐ-CP ngày 4/4/2006 của Chính phủ quy định chi tiết
Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại (sau đây gọi tắt là Dự thảo). Dựkiến văn bản này sẽ có tác động đến hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến: khuyến mại, quảng cáo, hội chợ, triển lãm thương mại…về nghĩa vụ đăng ký, thông báo, nghĩa
vụ tài chính đối với cơ quan nhà nước, mức giảm giá tối đa (70%), phương thức trao giải thưởng, vv …Dự kiến các sửa đổi, bổ sung lần này sẽ có tác động toàn diện và ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề sản xuất đầu tư kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp bán lẻ chúng ta.
Qua nghiên cứu sơ bộ và thu thập, phân tích thông tin, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận thấy cần đóng góp ý kiến đối với 02 Dự thảo nói trên để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp, không gây khó khăn, phiền hà … cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực thi chính sách – pháp luật sau này.
Sau khi tham khảo ý kiến của BCH Hiệp hội và Lãnh đạo một số doanh nghiệp phân phối – bán lẻ chủ chốt,ngày 11/9/2017Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã có công văn số 38 -2017 /CV- HHBL gửi Lãnh đạo Bộ Công Thương, đồng thời gửi Ban Soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/20056/NĐ-CP ngày 4/4/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cùng Ban Soạn thảo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân và thuế Tài nguyên (Bộ Tài Chính) về việc Góp ý tăng thuế VAT và đưa Chiết khấu TM /Chiết khấu thanh toán vào các hình thức khuyến mại. Toàn văn Công văn như sau:
Kính gửi: Đ/c Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương
Đồng kính gửi: – Ban Soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/20056/NĐ-CP ngày 4/4/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)
– Ban Soạn thảo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân và thuế Tài nguyên (Bộ Tài Chính)
Như đã báo cáo sơ bộ tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước ngày 30/08/2017, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (Hiệp hội) xin có ý kiến như sau:
- Về tăng Thuế GTGT lên 12%:
Hiệp hội chúng tôi không tán thành đề xuất của Bộ Tài Chính do chưa có cơ sở hợp lý và các giải trình của quý Bộ trong thời gian qua là chưa thuyết phục.
Ngoài những yếu tố không hợp lý đã được chỉ ra, đề xuất nâng thuế suất thuế GTGT sẽ làm khó thêm cho doanh nghiệp, hoàn toàn trái với chính tinh thần mà Bộ Tài Chính nêu ra là “khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.
Sự tăng thuế này không phù hợp với thực trạng kinh tế – xã hội hiện nay và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp khi người tiêu dùng buộc phải thu hẹp việc mua sắm, tiêu dùng để đương đầu với chi phí đắt đỏ hơn do tăng thuế.
Từ góc độ các nhà bán lẻ, chúng tôi còn quan ngại rằng việc tăng thuế GTGT sẽ tác động ngược đến chủ trương phát triển bán lẻ hiện đại của Chính phủ, khi đông đảo người tiêu dùng có thu nhập thấp và trung bình hiện đang mua sắm ở các siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích … sẽ quay lại mua sắm tại các cơ sở bán lẻ truyền thống, kể cả các chợ cóc, chợ tạm … để tránh thuế GTGT.
Trong trường hợp Nhà nước nhất thiết phải tăng thuế, cần đảm bảo những điều kiện sau:
– Các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của nhân dân, đặc biệt là thực phẩm và các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu an sinh XH, y tế, giáo dục cần được tách rõ và không nên tăng thuế GTGT.
– Từng bước minh bạch các khoản chi tiêu NSNN thông qua việc phê chuẩn dự toán thu, chi cũng như quyết toán thu, chi của NSNN hàng năm. Triển khai đồng bộ, tích cực các giải pháp kiểm soát chặt chẽ chi NSNN để củng cố niềm tin của những người nộp thuế. Tăng thuế GTGT phải đi kèm với việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng và cắt giảm chi tiêu thường xuyên không cần thiết.
– Cần có một lộ trình rõ ràng và giải trình được tăng thuế để sử dụng vào việc gì, để người dân và doanh nghiệp chuẩn bị phương án ứng phó. Các giải pháp hữu hiệu cần phải làm là cắt giảm chi tiêu, nâng cao hiệu quả chi tiêu, giảm thất thoát, lãng phí trong chi tiêu và đầu tư công chứ không chỉ có duy nhất một giải pháp là tăng thuế, phí …
- Về đề xuất bổ sung Chiết khấu Thương mại, Chiết khấu thanh toán vào các hình thức khuyến mại:
Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam bày tỏ sự không đồng tình và kiến nghị bỏ đề xuất của Ban Soạn thảo v/v bổ sung “chiết khấu thanh toán, chiết khấu thương mại” vào các hình thức khuyến mại trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/20056/NĐ-CP ngày 4/4/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại vì các lý do sau:
2.1. Hai loại chiết khấu nói trên và khuyến mại về bản chất và mục đích hoàn toàn khác nhau:
– Chiết khấu thương mại là khoản DN bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn, không phụ thuộc vào đợt, vào thời gian nào. Chiết khấu thương mại là sự thỏa thuận giữa người mua và người bán thông qua hợp đồng đã được hai bên ký kết.
– Chiết khấu thanh toán là khoản mà người bán giảm trừ cho người mua khi thanh toán trước thời hạn, nhằm khuyến khích người mua thanh toán tiền hàng sớm, không liên quan gì đến hàng hóa mà chỉ liên quan đến thời hạn thanh toán và thỏa thuận giữa người mua và người bán.
Chiết khấu thanh toán là tính trên số tiền thanh toán nên bao gồm cả thuế GTGT, đây là một khoản chi phí tài chính công ty chấp nhận chi cho người mua. Trong khi đó, khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định (theo Luật Thương mại), đối tượng hướng đến là người tiêu dùng.
Như vậy, mục đích của chiết khấu thương mại hay khuyến mại đều là các chiến lược bán hàng của DN nhằm thúc đẩy doanh số bán ra. Trong khi khuyến mại là khoản giảm trừ, chiến thuật bán hàng mang tính ngắn hạn (có thời gian cụ thể) nhằm thúc đẩy doanh số trong thời gian đó. Còn chiết khấu thương mại là khoản mà người bán giảm trừ cho người mua khi người mua đã mua hàng với số lượng lớn, chiết khấu thanh toán là khoản chi phí tài chính giảm trừ cho người mua khi thanh toán trước hạn (tính trên 1 lần hoặc trong một khoảng thời gian) và thường ổn định, mang tính dài hạn.
Giữa khuyến mại và 2 loại chiết khấu này có sự khác biệt như sau:
* Khuyến mại
+ Do sản phẩm mới ra chưa có trên thị trường, hàng cũ không bán được, lỗi mốt … nên phải giảm giá để bán được
+ Khoản giảm trừ (hoặc tặng kèm sản phẩm) nhằm thúc đẩy bán hàng, không nhất thiết đạt số lượng yêu cầu
+ Chỉ được thực hiện theo từng đợt đăng ký với cơ quan quản lý và bị giới hạn trong thời gian nhất định, mang tính ngắn hạn.
+ Giá tính thuế có thể bằng 0 nếu đăng ký khuyến mại.
+ Áp dụng cho mọi khách hàng, thường cho khách hàng mua lẻ.
+ Cần có thông báo và đăng ký với cơ quan quản lý.
* Chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán.
+ Do bán với số lượng lớn nên giảm một số chi phí như vận chuyển, lưu trữ …(chiết khấu TM) hoặc do người bán được lợi về chi phí lãi suất vốn (chiết khấu TT) nên giảm giá.
+ Khoản giảm trừ của người bán khi người mua hàng đạt số lượng nhất định theo thỏa thuận …(chiết khấu TM). Hoặc khoản giảm trừ của người bán khi người mua thanh toán trước hạn theo thỏa thuận.
+ Thời gian thực hiện do thoả thuận theo hợp đồng, có thể được duy trì thường xuyên, mang tính trung, dài hạn.
+ Giá tính thuế là giá đã trừ chiết khấu.
+ Thường áp dụng cho khách hàng bán buôn (bán sỉ).
+ Là thỏa thuận giữa người mua và người bán trong hợp đồng, thể hiện ý chí tự do gắn kết hợp đồng.
- Việc bổ sung chiết khấu vào các hình thức khuyến mại sẽ dẫn đến hậu quả là quyền quyết định chính sách bán hàng của doanh nghiệp đối với các khách hàng khác nhau bị can thiệp, doanh nghiệp có nguy cơ phải áp giá bán chung cho mọi đối tượng khách hàng của mình và như vậy dường như cơ quan QL Nhà nước can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh của họ.
- Bên cạnh đó, nếu bổ sung chiết khấu thương mại và chiết khấu thanh toán vào các hình thức khuyến mại, các doanh nghiệp sẽ phải làm thủ tục thông báo đến CQQLNN trước khi được thực hiện. Điều này hoàn toàn bất hợp lý, thiếu tính khả thi và sẽ là gánh nặng về chi phí và hành chính và cản trở nghiêm trọng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Nói cách khác, nếu đưa 2 loại chiết khấu nói trên vào hình thức khuyến mại sẽ lại tăng thêm các điều kiện kinh doanh mới (giấy phép con) với DN, vô hình chung tạo thành rào cản cho chính hoạt động khuyến mại chính đáng của DN, cũng có nghĩa gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, của khách hàng.
Với quan điểm thay đổi căn bản từ Chính phủ quản lý, sang Chính phủ hỗ trợ, kiến tạo, để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản, bảo đảm quyền và lợi ích của của doanh nghiệp, không gây khó khăn, phiền hà … cho cộng đồng doanh nghiệp trong đó có các DN bán lẻ trong quá trình thực thi chính sách – pháp luật sau này, kính mong đ/c Thứ trưởng và các Ban Soạn thảo xem xét và tiếp thu các ý kiến đóng góp xây dựng chính sách – pháp luật của chúng tôi.
Xin trân trọng cảm ơn