Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương, Trưởng Ban tổ chức hội nghị chia sẻ: “Thủ đô Hà Nội với vai trò là trung tâm văn hóa kinh tế chính trị của cả nước, do đó mà điều kiện phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Thành phố là rất lớn, đặc biệt là việc phát triển lĩnh vực thương mại dịch vụ tương đối thuận tiện, trong đó lĩnh vực logistics đóng một vai trò khá quan trọng cho việc phát triển lĩnh vực thương mại dịch vụ trên. Hiện nay các điều kiện hạ tầng tại Hà Nội cũng đang hoàn thiện và tương đối thuận tiện cho hoạt động logistics, tuy nhiên lĩnh vực logistics ở Hà Nội vẫn chưa thật sự được phát triển toàn diện, phần lớn chất lượng dịch vụ của các đơn vị cung ứng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng, hơn nữa đa phần các hoạt động trong lĩnh vực này chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các tập đoàn xuyên quốc gia. Do đó về phía Sở Công Thương cũng định hướng việc phát triển chất lượng dịch vụ logistics là một trong những trọng điểm trong quá trình phát triển thương mại Thủ đô”. Thông qua Hội nghị, Sở Công Thương hy vọng có được những góp ý từ các đơn vị tham dự để đánh giá được thực trạng cũng như những nội dung đã làm được trong thời gian qua và xác định mục tiêu sắp tới nhằm phát triển loại hình này đảm bảo phục vụ nghiệp vụ phát triển kinh tế xã hội chung của Hà Nội cũng như trong cả nước.
Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương, Trưởng Ban tổ chức
Về phía Sở Công Thương cũng xác định được định hướng phát triển dịch vụ logistics trong thời gian tới trên địa bàn Thành phố cần hướng tới mục tiêu tối ưu hóa chất lượng dịch vụ logistics, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, các đơn vị tổ chức nhằm có được những giải pháp đồng bộ để tạo điều kiện cho hoạt động này phát triển. Thông qua Hội nghị, hy vọng đại diện các đơn vị đóng góp ý kiến phát biểu sát thực hiệu quả để Sở Công Thương có những tham mưu thiết thực cho Ủy ban Nhân dân Thành phố góp phần vào việc phát triển chung của nền kinh tế Thủ đô Hà Nội.
Ông Trần Nguyên Năm – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương
Ông Trần Nguyên Năm – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng chia sẻ một số vấn đề đáng quan tâm về thực trạng kinh doanh trong lĩnh vực logistics như:
- Số lượng các trung tâm logistics tại Việt Nam không nhiều và đều mới phát triển trong vòng vài năm trở lại đây, phân bố tập trung ở một số khu công nghiệp phía Nam.
- Quy mô các trung tâm logistics nhìn chung còn nhỏ (dưới 10ha), và chủ yếu phục vụ một số doanh nghiệp trong khu vực khu công nghiệp, hoặc một tỉnh, thành chứ chưa phát triển đến quy mô phục vụ một ngành hoặc một vùng kinh tế.
- Nhân lực lao động trong ngành logistics nói chung và tại các trung tâm logistics phần lớn chưa được đào tạo một cách bài bản và chính quy về các kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, đây cũng là một rào cản không nhỏ đối với sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.
- Tính liên kết giữa các trung tâm logistics chưa cao, từng trung tâm được đầu tư phục vụ lợi ích chủ yếu của từng doanh nghiệp mình mà chưa phối hợp trong định hướng chung, chính sách chung phục vụ cho lợi ích và chính sách kinh tế – xã hội của một tỉnh, thành phố hay địa phương.
- Hệ thống luật quy định cho ngành logistics nói chung còn lỏng lẻo, các thể chế chính sách của nhà nước chưa thống nhất, ngành logistics chưa có cơ quan chủ quan, chưa có định hướng rõ ràng để hỗ trợ sự phát triển các trung tâm logistics.
Về phía Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, tại Hội nghị, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng cũng chia sẻ về thực trạng cơ sở pháp lý liên quan tới hoạt động giám định thương mại và một số nội dung cần lưu ý trong lĩnh vực giám định thương mại và đề xuất phối hợp từ phía Sở Công Thương Hà Nội trong quá trình hoạt động thực tiễn của đơn vị.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương
Bên cạnh đó, hội nghị cũng đã nhận được nhiều chia sẻ về thực trạng những khó khăn cản trở ảnh hưởng tới quá trình hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics nói chung và các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực vận tải của đại diện các Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hội nghị.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã trình bày mối quan hệ mật thiết giữa dịch vụ logistics, dịch vụ chuyển phát với thương mại điện tử. Theo Hiệp hội, mua bán trực tuyến sản phẩm hữu hình gắn chặt với dịch vụ chuyển phát cũng như dịch vụ logistics.
Các doanh nghiệp chuyển phát cần chú trọng tới việc hiện đại hóa quản lý, trang thiết bị, đặc biệt phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực cũng như với các doanh nghiệp logistics. Đồng thời các doanh nghiệp chuyển phát cũng cần chủ động bắt tay với các doanh nghiệp thương mại điện tử, xác định thị phần thương mại điện tử sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hoạt động của doanh nghiệp.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành các hoạt động điều tra, khảo sát tiến tới có thống kê tin cậy về dịch vụ logistics và chuyển phát. Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật quy định về các điều kiện kinh doanh hai loại dịch vụ này cần có các dự báo về thị trường, các chính sách, biện pháp khuyến khích. Dịch vụ logistics và chuyển phát không chỉ liên quan tới Bộ Công thương và Bộ Thông tin và Truyền thông mà còn liên quan tới một số bộ ngành khác như Bộ Giao thông vận tải (vận tải, bốc dỡ), Bộ Tài chính (hải quan, thuế) hay Bộ Tài nguyên và Môi trường (kho bãi). Vì vậy, sự phối hợp giữa các bộ ngành trong việc ban hành các chính sách và giải pháp khuyến khích sự phát triển của hai dịch vụ này có ý nghĩa quan trọng.
Các hiệp hội liên quan tới thương mại điện tử, logistics, giao nhận, chuyển phát… cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại và chuyển phát ở địa phương cũng cần triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy sự liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Hưng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam
Kết thúc Hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh sẽ tiếp thu các ý kiến kiến nghị của các đơn vị để truyền tải các kiến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, qua đó có những nhìn nhận đánh giá và ban hành những văn bản pháp luật phù hợp nhằm phát triển dịch vụ logistics. Còn đối với thành phố Hà Nội, trong quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn bán lẻ giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn năm 2030, loại hình dịch vụ logistics này cũng đã được quy hoạch phát triển hai trung tâm logistics với diện tích khoảng 10ha – 15ha. Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng sẽ tham mưu với Thành phố để hỗ trợ các cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này nhằm thu được những kết quả thiết thực nhất.