Khó khăn do dịch bệnh COVID-19 khiến người dân thắt chặt chi tiêu, tác động nặng nề đến thị trường bán lẻ.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh cùng sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, trong 3 tháng qua, hơn 8.700 doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại tiếp tục rời thị trường, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2020, theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Theo giới phân tích, doanh nghiệp bán lẻ, bán buôn là lĩnh vực có thể dễ dàng gia nhập và rút lui khỏi thị trường. Do tác động của đại dịch COVID-19 và thay đổi trong hành vi tiêu dùng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, doanh nghiệp trong ngành bán buôn, bán lẻ gặp nhiều khó khăn.

Ở lĩnh vực dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác có gần 1.500 doanh nghiệp rời thị trường hay lĩnh vực khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác có hơn 1.600 doanh nghiệp và lĩnh vực xây dựng có hơn 3.300 doanh nghiệp đóng cửa.

Trong năm 2020 và 3 tháng đầu năm nay, một số lĩnh vực diễn ra sự thanh lọc mạnh mẽ, trong đó kinh doanh phân phối thể hiện ở số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong ngắn hạn cao nhất.

Bên cạnh khó khăn do ảnh hưởng COVID-19, xu hướng kinh doanh trực tuyến (online) của doanh nghiệp cũng khiến mặt bằng nhà phố tại TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác đã khó lại còn thêm khó khăn trong việc tìm khách thuê. Hàng loạt mặt bằng tại những khu phố vốn rất sầm uất và cao cấp của TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã treo biển cho thuê trong nhiều ngày qua.

Ở chiều ngược lại, trong 3 tháng đầu năm nay, 5.222 doanh nghiệp hoạt động bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy quay trở lại thị trường (chiếm 35,4% doanh nghiệp quay trở lại thị trường, và giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2020).

 

https://vtv.vn/kinh-te