Việc vào được sàn thương mại điện tử (TMĐT) Amazon không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt đưa sản phẩm của mình đến với nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo giá trị GDP danh nghĩa và lớn thứ hai thế giới tính theo ngang giá sức mua, mà từ đó còn có thể tiếp cận được hơn 180 thị trường khác trên thế giới. Nhiều hàng hóa Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng cho kênh bán hàng trực tuyến này.
Đại diện Amazon Global Selling Vietnam chia sẻ thông tin với doanh nghiệp Việt Nam về nhóm hàng hóa tiềm năn có thể bán trên sàn TMĐT Amazon. Ảnh: Lê Hoàng
Tuy nhiên, để hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ nói riêng và thị trường các nước trên thế giới nói chung, ngoài việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, điều quan trọng các doanh nghiệp cần đầu tư và đưa lên sàn Amazon là hình ảnh đẹp, phong phú, bắt mắt; đẩy mạnh hoạt động tiếp thị sản phẩm.
Đây là những thông tin ghi nhận tại hội thảo “Tiếp cận thị trường Hoa Kỳ thông qua sàn thương mại điện tử Amazon” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp cùng với Amazon Global Selling tổ chức vào ngày 21-10.
Vào Amazon để hàng hóa Việt vươn xa
Amazon, cho đến nay, là nhà bán lẻ TMĐT phổ biến nhất tại Mỹ và cũng đứng đầu về doanh số bán lẻ trực tuyến ở nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Theo kết quả cuộc nghiên cứu được Statista công bố ngày 31-8 vừa qua cho thấy, có gần 9 trong tổng số 10 người được hỏi ở Hoa Kỳ trả lời đã mua sắm ít nhất một thứ gì đó trên Amazon trong vòng 12 tháng qua. Do đó việc doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa qua kênh bán hàng này sẽ là cơ hội lớn để tiếp cận khách hàng và nắm được hành vi mua sắm của người tiêu dùng xứ cờ hoa.
Và để việc bán hàng vào thị trường Mỹ nói riêng, thị trường các nước trên thế giới nói chung đạt hiệu quả ngoài việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, điều quan trọng các doanh nghiệp cần đầu tư và đưa lên sàn Amazon hình ảnh đẹp, phong phú, bắt mắt; đẩy mạnh hoạt động tiếp thị sản phẩm.
Tuy nhiên theo ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling Vietnam, hiện nay khi đưa hình ảnh sản phẩm lên Amazon nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng, vì vậy hình ảnh rất xấu, không hấp dẫn. Đây cũng chính là nhược điểm lớn của doanh nghiệp Việt Nam. Chính điều này khiến cho việc bán hàng không đạt hiệu quả.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải chú ý tới quy chuẩn sản phẩm như sản phẩm có kích thước nhỏ gọn.
Đặc biệt ông Thủy chia sẻ, để nhiều người tiêu dùng không chỉ ở Mỹ mà nhiều nơi trên thế giới biết sản phẩm của mình, tăng giá trị sản phẩm các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu.
Hiện nay, Amazon có 18 website trên thế giới, sử dụng 27 ngôn ngữ khác nhau, tiếp cận khách hàng ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, có hơn 300 triệu khách hàng và hơn 100 triệu thành viên Prime trên toàn cầu, 175 trung tâm kho bãi, 40 máy bay chở hàng và 100.000 đơn vị Amazon Robotic.
Vì vậy, theo giới phân tích, việc tiếp cận được với sàn thương mại điện tử này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ một cách dễ dàng hơn, tiết kiệm được cả thời gian và chi phí, qua đó mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhiều sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá có tiềm năng để kinh doanh trên sàn TMĐT Amazon. Ảnh minh họa: Hùng Lê
Nhóm hàng tiềm năng bán trên Amazon
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây đã bắt đầu tiếp cận và khai thác kênh bán hàng Amazon.
Ông Trần Xuân Thủy cho biết, những sản phẩm trang trí nhà cửa, chăm sóc gia đình nhất là những sản phẩm bảo vệ môi trường, sản phẩm thủ công – sản phẩm thủ công mỹ nghệ; sản phẩm may mặc và một số loại thực phẩm (như rong nho khô) từ Việt Nam rất được người tiêu dùng Mỹ yêu thích. Những sản phẩm này hiện nay có doanh số bán tốt trên sàn thương mại điện tử Amazon.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Phương Trinh, Quản lý tài khoản cấp cao của Amazon Global Selling Vietnam, cũng chia sẻ thêm những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh để bán hàng trên kênh TMĐT toàn cầu này như đồ trang trí và nội thất, đồ dùng trong nhà, thực phẩm, sản phẩm chăm sóc trẻ em,…
Bà Trinh còn chia sẻ về xu hướng thị trường và ngành hàng tiềm năng, cũng như khuyến nghị về một số sản phẩm có nhu cầu tiêu dùng cao và các yêu cầu về chất lượng liên quan khi bán hàng trên Amazon.
Theo đó, khi lựa chọn sản phẩm để bán hàng trực tuyến, người bán hàng cần phải xem xét các yếu tố như: sự tăng trưởng, tính thời vụ, thương hiệu, đặc tính/thuộc tính, yêu cầu về chất lượng…của sản phẩm và phân khúc người tiêu dùng mà doanh nghiệp hướng tới.
Theo bà Trinh, các ngành hàng tiêu biểu được bán trên Amazon bao gồm: mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc sức khỏe gia đình, sản phẩm cho em bé, thiết bị chăm sóc cá nhân, tạp hóa thực phẩm…
Bà Trinh cũng chia sẻ tới cộng đồng doanh nghiệp tham dự hội thảo về thời điểm tiêu thụ mạnh nhất các mặt hàng tiêu dùng tại Mỹ. Đây là thông tin hữu ích giúp các doanh nghiệp lựa chọn được thời điểm phù hợp để đẩy mạnh hoạt động bán hàng của mình.
Đơn cử như các sản phẩm trang điểm làm đẹp, tạp hóa thực phẩm, dụng cụ chăm sóc sức khỏe gia đình/chăm sóc cá nhân thì tiêu thụ tốt vào hầu hết các tháng trong năm. Còn đối với sản phẩm cho mẹ và bé, thời điểm tiêu thụ tốt là vào ngày của Mẹ (giữa tháng 4 – giữa tháng 5), ngày Thành viên Prime (tháng 7), dịp cuối năm và Giáng sinh (tháng 11 – tháng 12)…
Ở Mỹ, người tiêu dùng cũng rất quan tâm đến các sản phẩm sử dụng cho các ngày làm việc tại nhà. Các sản phẩm phục vụ việc học và làm việc tại nhà (bộ định tuyến, giá đỡ màn hình, bàn ghế làm việc văn phòng, bàn máy tính, máy tính để bàn và các phụ kiện…). Các sản phẩm chăm sóc trẻ em (đồ chơi giáo dục thông minh, đồ chơi dành cho trẻ em trong vườn nhà…); các sản phẩm chăm sóc thú cưng; trang phục mặc ở nhà (quần áo ngủ, đồ lót hay quần áo dành cho trẻ em…) đang được tiêu thụ mạnh tại Hoa Kỳ.
Bà Nguyễn Phương Trinh lưu ý rằng, thị trường châu Âu và Bắc Mỹ có các tiêu chuẩn kiểm tra rất nghiêm ngặt mà doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ nhằm đáp ứng trước khi bán hàng qua kênh này.
Hùng Lê – Vũ Yến (Theo TBKTSG)