Mua sắm trực tuyến đang gia tăng ở tất cả các nhóm tiêu dùng, thậm chí ở cả nhóm người lớn tuổi và khu vực nông thôn.

Mua sắm trực tuyến đang gia tăng ở tất cả các nhóm tiêu dùng

Chú trọng hơn đến sức khỏe

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel nhận định, có thể nói đại dịch Covid-19 đã và đang tác động toàn diện và làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng trên khắp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đây cũng chính là thời kỳ cho sự “lên ngôi” của số hóa thời Covid-19, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau phải thay đổi nhanh chóng để thích nghi.

Nghiên cứu của Kantar Worldpanel cho thấy, dưới tác động của Covid-19, hoạt động ăn uống bên ngoài sụt giảm mạnh, cụ thể là chi tiêu cho tiêu dùng bên ngoài gia đình giảm 27%, tuy nhiên, 40% giá trị mất đi được chuyển thành chi tiêu cho tiêu dùng tại nhà. Giá trị tiêu dùng cho nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại nhà ghi nhận mức tăng 2 chữ số trong 9 tháng năm 2020, trong đó khu vực thành thị tăng trưởng 13% và khu vực nông thôn tăng trưởng 11%. Đặc biệt, các mặt hàng đồ ăn nhẹ và gia vị nấu ăn tăng trưởng mạnh dưới tác động của Covid-19 do thời gian ở nhà của người dân nhiều hơn. Trong 9 tháng năm 2020, tại khu vực thành thị, đồ ăn nhẹ tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm 2019, gia vị nấu ăn tăng trưởng tới 15%. Còn tại nông thôn, đồ ăn nhẹ tăng 16% và gia vị nấu ăn tăng 14% so với cùng kỳ 2019. Ngoài ra, thực phẩm tươi sống cũng được ưa chuộng hơn trên các gian hàng trực tuyến do người dân bị hạn chế di chuyển trong thời gian cách ly xã hội.

Một thay đổi đáng chú ý của người tiêu dùng dưới tác động của Covid-19 là sự “lên ngôi” của các sản phẩm vệ sinh diệt khuẩn, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Cũng theo nghiên cứu của Kantar Worldpanel, 9 tháng năm 2020, sản phẩm vệ sinh ghi nhận mức tăng trưởng về giá trị lên tới 33% ở khu vực thành thị và 29% ở khu vực nông thôn, còn đối với sản phẩm tăng cường sức khỏe, mức tăng trưởng ở hai khu vực lần lượt là 16% và 31%. Nhiều nhà sản xuất đã tham gia vào cuộc đua trên thị trường này với nhiều sản phẩm mới, đa dạng kích thước, mẫu mã. Người dân thì thay đổi các thói quen sinh hoạt nhằm nâng cao sức đề kháng và bảo vệ sức khỏe như chăm chỉ luyện tập thể dục, thể thao và gần 70% số người được khảo sát cho biết có mua thêm các sản phẩm chức năng hoặc vitamin.

Mở rộng hoạt động trực tuyến

Theo nhận định của các chuyên gia, bên cạnh lĩnh vực tiêu dùng và ăn uống, dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới chuỗi cung ứng và hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là tới lĩnh vực nông sản. Trước bối cảnh này, người tiêu dùng đã quay sang ủng hộ các sản phẩm nội địa và được các nhà bán lẻ hỗ trợ tích cực. Chính vì vậy, các chuyên gia đưa ra dự đoán về hành vi của người tiêu dùng hậu Covid-19 với những đặc điểm đáng chú ý như tiếp tục tăng cường nhu cầu cho các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, đẩy mạnh “số hóa” các hoạt động như truyền thông, học tập, làm việc, du lịch, giải trí… mở rộng hoạt động mua sắm trực tuyến và sử dụng dịch vụ giao hàng tiện lợi, thận trọng hơn trong các khoản chi tiêu ngắn hạn, quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đánh giá về sự phát triển của thương mại điện tử trong chuỗi cung ứng, nghiên cứu của Kantar Worldpanel chỉ ra, mua sắm trực tuyến ngày nay đã tiếp cận được hơn một nửa dân số. Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội rất lớn để mở rộng mạng lưới tiêu dùng trên nền tảng số bằng cách khai thác nhóm còn lại, đặc biệt là những người lớn tuổi. Các mặt hàng tiêu dùng mạnh trên kênh thương mại điện tử sau khi đại dịch bùng phát là quần áo, nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) như thực phẩm và đồ uống, sản phẩm chăm sóc gia đình và chăm sóc cá nhân, sản phẩm sữa, thực phẩm em bé, thiết bị gia dụng cùng với thiết bị điện tử đều tăng… Hơn 1/3 hộ gia đình ở thành thị mua sắm các sản phẩm FMCG trực tuyến và với khuynh hướng hiện tại, có thể kỳ vọng lượng người mua hàng FMCG tăng lên từ 17% – 25% mỗi năm.

Thực tế, mua sắm trực tuyến đang gia tăng ở tất cả các nhóm tiêu dùng, thậm chí ở cả nhóm người lớn tuổi và khu vực nông thôn. Kênh mua sắm trực tuyến hiện đang trở thành nguồn tăng trưởng “hữu cơ” của thị trường FMCG khi 3/4 giá trị mới đến từ chi tiêu của người mua mới hoặc chi tiêu tăng thêm của người tiêu dùng hiện tại. Cùng với sự phát triển của mua sắm trực tuyến, xu hướng thanh toán kỹ thuật số cũng hứa hẹn sẽ tăng tốc trong thời gian tới, đặc biệt là đối với người trẻ. Một nửa người tiêu dùng dưới 30 tuổi có sử dụng thanh toán kỹ thuật số. Hơn nữa, 78% hộ gia đình có sử dụng hình thức chuyển khoản ngân hàng và 24% hộ gia đình có sử dụng ví điện tử. Đây chính là những nền tảng để giúp cho hoạt động thương mại điện tử sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng thời gian tới.

 

Nhật Minh (Theo Thời báo Ngân hàng)