1. Hội nghị quốc tế ngành bán lẻ Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 18 (APRCE 2017)
Hội nghị được tổ chức trong các ngày từ 25 đến 28/10/2017 tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia do nước chủ nhà đăng cai.
Chuỗi sự kiện là sự hội tụ của các thành viên Liên đoàn bán lẻ Châu Á Thái Bình Dương và các chuyên gia quốc tế, sẽ trao đổi, thảo luận những vấn đề về ngành bán lẻ với tiêu chí “Chuyển đổi – Sáng tạo và Đột phá”
Ngoài lễ khai mạc được tổ chức long trọng, các hoạt động của APRCE 2017 bao gồm Hội thảo chuyên đề với sự tham gia đóng góp của các diễn giả về thực trạng và xu thế, Triển lãm và cuộc nghị sự của các Lãnh đạo cao cấp thuộc Liên đoàn bán lẻ Châu Á Thái Bình Dương. Điểm đặc biệt của APRCE năm nay là sự chú trọng bồi dưỡng, phát triển các lãnh đạo doanh nghiệp trẻ của các nước, bao gồm cả hoạt động kết nối, giao lưu nhằm mục đích xây dựng đội ngũ kế cận.
Đoàn Việt Nam do Ts. Đinh Thị Mỹ Loan, chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lê Việt Nam (AVR) làm trưởng đoàn và 5 thành viên đến từ Hapro, Fivimart, Satra và một số doanh nghiệp startup đã tham gia tất cả các hoạt động của chuỗi sự kiện trọng đại này.
*****
2. Những ghi nhận tại Hội thảo APRCE 2017
Trong các ngày 26 và 27 tháng 10, các bài tham luận của các diễn giả đến từ các quốc gia có ngành bán lẻ phát triển đều hướng đến tiêu chí của sự kiện năm nay. Đó là Chuyển đổi – Sáng tạo và Đột phá.
Các tham luận được chia thành các chuyên đề như tình hình bán lẻ tại các nước châu Á – Thái Bình Dương, kinh nghiệm ngành bán lẻ của các nước và các xu thế, cơ hội và thách thức của ngành bán lẻ trước thời kì mới.
Bài tham luận của diễn giả Roger Gang, chủ tịch tập đoàn Kim Bằng (Golden Eagle), Trung Quốc đã đưa ra những con số ấn tượng về sự phát triển của tập đoàn này. Đặc biệt, tham luận nhấn mạnh vào vấn đề sử dụng công nghệ số để tiếp cận khách hàng, khả năng bao quát đa nhu cầu tới nhóm người tiêu dùng và việc xây dựng các cộng đồng dân cư từ trực tuyến đến không gian thực.
Diễn giả Christopher Sanderson (Future Lab, Anh) lại đưa ra các xu thế và cách thức tiếp thị số với hình thức giả lập trực tuyến. Đây có thể nói là một xu thế mới dành cho ngành bán lẻ, dựa trên các nền tảng công nghệ số và mạng trực tuyến toàn cầu.
Diễn giả Howard Saunder (Twenty Second & Fifth Ltd, Mỹ) đã tạo cho khán thính giả những cảm xúc rất mạnh khi đưa ra một tương lai “ảm đạm, đen tối” cho ngành bán lẻ thế giới với sự phát triển ngành bán lẻ và các thương hiệu. Cách đặt vấn đề của ông khá hài hước, sử dụng phương pháp cường điệu để thay đổi nhận thức chung về việc kết nối giữa thế giới thực và ảo, trong đó có ngành thương mại bán lẻ.
Rất nhiều kinh nghiệm đã được chia sẻ từ những nhà bán lẻ thành công, cũng như tham vấn của các chuyên gia hàng đầu thế giới được đón nhận nhiệt liệt bằng những tràng vỗ tay không dứt.
Ngày 27.10 sẽ tập trung cho các vấn đề về công nghệ số, thương mại điện tử, xu thế mới và hình thức mua sắm trực tuyến.
Hội thảo sẽ khép lại với tham luận có tính tổng quan: “Vai trò và sứ mệnh của nền công nghiệp bán lẻ tại một Châu Á đang vươn mình” của diễn giả Motoya Okada, lãnh đạo của tập đoàn AEON đến từ Nhật Bản.
(Tin từ Đoàn Việt Nam đang tham dự APRCE 2017 tại Kuala Lumpua, Malaysia.)