1.  Chỉ mua hàng trên những website hợp pháp

• Kiểm tra tính xác thực và hợp pháp của website TMĐT thông qua Cổng thông tinquản lý hoạt động TMĐT thuộc Bộ Công Thương tại địa chỉ www.online.gov.vn.

• Với các website TMĐT có gắn biểu tượng “Đã đăng ký với Bộ Công Thương”, kiểm tra bằng cách nhấn vào đó, để được dẫn về thông tin đăng ký của website tại www.online.gov.vn.

2.  Kiểm tra thông tin về người bán và sản phẩm

• Kiểm tra thông tin về người bán như: tên doanh nghiệp hoặc thương nhân, thông tin đăng ký kinh doanh, địa chỉ trụ sở giao dịch, thông tin liên hệ, số điện thoại cố định, đường dây nóng, email, các tài khoản hỗ trợ trực tuyến.

• Có thể gọi điện hoặc kiểm tra chéo các thông tin này thông qua website của các cơ quan thuế, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

• Thông tin sản phẩm được bày bán phải được công bố chi tiết, đầy đủ, rõ ràng.

3.  Kiểm tra độ uy tín của người bán trên môi trường trực tuyến

• Tham khảo ý kiến của bạn bè, người thân về độ uy tín của người bán.

• Tìm kiếm thông tin liên quan tới người bán bằng các công cụ tìm kiếm với các từ khóa như: “công ty X”, “lừa đảo”, “bán hàng giả”…

• Đọc các đánh giá (review) của khách hàng – những người đã từng mua hàng trên website đó để có thêm thông tin về người bán. Đặc biệt kiểm tra kỹ với những trường hợp giá bán rẻ hơn nhiều so với giá chung của thị trường.

• Có thể tra cứu mức độ uy tín của website thông qua các tổ chức đánh giá tín nhiệm như SafeWeb.vn.

4.  Đọc kỹ các điều khoản, quy định và chính sách bán hàng

• Đọc kỹ các điều khoản liên quan tới bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng; các điều khoản giao dịch như phương thức thanh toán, giao hàng, chính sách đổi trả hàng, điều kiện hoàn tiền, phí vận chuyển, bảo hành và các dịch vụ sau bán hàng…

5.  Đảm bảo các thiết bị sử dụng là an toàn.

• Tiến hành giao dịch trên máy tính hoặc thiết bị di động an toàn, bảo mật. Nếu sử dụng mạng không dây, nên kiểm tra việc mã hóa đường truyền để đảm bảo bên thứ 3 không thể thu thập trái phép dữ liệu của bạn.

• Trường hợp sử dụng máy tính lạ (nơi công cộng, máy dùng chung…), cần đăng xuất (log out) khỏi tài khoản sau khi sử dụng; xóa lịch sử duyệt web, cookie, cache…

6.  Lựa chọn phương thức thanh toán an toàn

• Với những giao dịch lần đầu hoặc giao dịch có giá trị lớn, hạn chế chuyển hết tiền cho người bán trước khi nhận hàng.

• Khi tiến hành thanh toán trực tuyến, cần chắc chắn người bán đang cung cấp một kênh giao dịch mã hóa an toàn với biểu tượng “https://” trên thanh địa chỉ của trình duyệt web (giao thức SSL).

7.  Kiểm tra sao kê tài khoản ngân hàng sau khi giao dịch

• Sử dụng dịch vụ thông báo giao dịch qua tin nhắn điện thoại để nắm được các giao dịch phát sinh bằng tài khoản của mình.

• Nên lưu tâm tới việc sử dụng cách thức xác thực thanh toán bằng hai lớp mật khẩu với mật khẩu dùng một lần (one time password).

8.  Lưu giữ thông tin giao dịch đầy đủ

• Lưu giữ mã số đơn hàng, số hiệu giao hàng và các chứng từ trong quá trình giao dịch trực tuyến. Những thông tin này có thể được sử dụng làm bằng chứng để giải quyết các tranh chấp (nếu có) trong giao dịch.

9.  Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên môi trường trực tuyến

• Thận trọng với các quảng cáo qua email, bài viết hoặc các chia sẻ trên mạng xã hội.

• Không  tin vào những email đề nghị cung cấp tên tài khoản, mật khẩu, thông tin cá nhân, thông tin tài chính; các email có gửi kèm đường link và đề nghị bạn nhấn vào đường link đó…

10.  Tìm hiểu và nắm rõ quyền lợi của mình

• Nên tìm hiểu quyền lợi của mình khi tham gia giao dịch trực tuyến.

• Liên hệ Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT (www.online.gov.vn) hoặc Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (www.vecom.vn) để được tư vấn, hướng dẫn.

Nguồn VECITA