IKEA trở nên nổi tiếng khắp thế giới nhờ vào yếu tố luôn đổi mới và phong cách đặc trưng trong thiết kế kiểu dáng.

Biểu tượng IKEA. Ảnh:Reuters

 

Khởi đầu từ cửa hàng bán đồ gỗ lưu niệm, IKEA hiện đã trở thành thương hiệu nội thất hàng đầu thế giới với mức doanh thu trên 40 tỷ USD từ năm 2019, đón tiếp 1 tỷ lượt khách đến cửa hàng mỗi năm và hiện diện tại hơn 50 thị trường, biến gia đình nhà sáng lập Kamprad trở thành một trong những người giàu nhất thế giới.

 

“Ông trùm” ngành thiết kế nội thất Thụy Điển

Được thành lập năm 1943 bởi thanh niên 17 tuổi Ingvar Kamprad sống ở Thụy Điển, tên gọi IKEA được ghép từ những chữ cái đầu tiên của tên ông và chữ cái của tên làng Elmtaryd Agunnaryd, nơi ông sinh ra.

Hiện IKEA đang có tới 90.000 nhân viên. Ngoài Thụy Điển và khu vực Bắc Âu, nơi khởi nguồn của IKEA, thị trường đồ gỗ của tập đoàn này tập trung trước hết vào các nước Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan.

Vào đầu những năm 1990, IKEA bành trướng lãnh thổ của mình sang các nước châu Âu khác như Italy, Tây Ban Nha, Hungary, Ba Lan, Czech… IKEA cũng đã khai trương hai trung tâm thương mại chuyên đồ gỗ gia dụng tại Nga và Trung Quốc.

Năm 2017, IKEA thông báo lên kế hoạch sẽ mở rộng tới Việt Nam và Philippines, nới rộng mạng lưới hiện bao gồm Thái Lan, Singapore và Malaysia. Trong đó, Việt Nam sẽ là điểm đến mà IKEA nhắm tới trong kế hoạch phát triển trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, mục tiêu sản xuất và kinh doanh của IKEA cũng bắt đầu chuyển hướng sang thân thiện với môi trường hơn. IKEA đặt mục tiêu giảm trung bình 70% tác động khí hậu tổng thể trên mỗi sản phẩm của mình đến năm 2030.

IKEA sẽ tiến hành cho thuê và tái chế đồ nội thất trên quy mô toàn cầu. Đây là một phần định hướng phát triển theo hướng thân thiện môi trường của tập đoàn chuyên thiết kế và bán lẻ đồ nội thất này.

Nhận định về bước đi này, Giáo sư Cecilia Cassinger chuyên về truyền thông chiến lược tại Đại học Lund Thụy Điển, cho biết chia sẻ và cho thuê có thể là các phương án giúp trở nên bền vững hơn.

Theo bà Cassinger, một lựa chọn khác còn là giảm quy mô sản xuất, thu hẹp sự tập trung vào các sản phẩm có chất lượng và giá thành cao hơn mà có thể sử dụng được trong một thời gian dài, dễ sửa chữa và bảo dưỡng, thay vì phải mua sản phẩm mới để thay thế. Những thách thức lớn nhất trong việc chuyển đổi sang một nền kinh tế tuần hoàn liên quan đến các hoạt động logistics bền vững, dịch vụ (sửa chữa, bảo dưỡng) và quản lý rác thải.

“Ông trùm” ngành thiết kế nội thất đến từ Thụy Điển hiện đã bắt đầu hoạt động sửa chữa và đóng gói lại các sản phẩm bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển tại mỗi cửa hàng. IKEA cũng đã triển khai chính sách cho phép khách hàng hoàn lại sản phẩm, bao gồm nội thất, để hãng bán lại hoặc đem đi quyên góp từ thiện.

Nguyên vật liệu thô của IKEA hiện chiếm 36,4% phát thải khí nhà kính của hãng. Trong đó hoạt động vận chuyển hàng hóa và di chuyển đến các cửa hàng của khách hàng chiếm 19,4%. IKEA hướng đến mục tiêu giảm trung bình 70% tác động khí hậu tổng thể trên mỗi sản phẩm đến năm 2030.

Hướng đến nền tảng kinh doanh bền vững

Hiện nay, hầu hết các sản phẩm của IKEA được công ty con IKEA Industry chế tạo tại Ba Lan, Nga, Slovakia và Thụy Điển. Các thị trường lớn nhất của hãng là Đức (15%), Mỹ (14%) và Pháp (8%). IKEA cam kết “xóa sổ” nhựa sử dụng một lần và hỗ trợ các nhà cung cấp chuyển đổi nhà máy của họ sang mô hình có lợi đối với môi trường.

Trước đó, IKEA cũng thông báo sẽ dừng phát hành catalogue bản giấy. Đây được xem là một quyết định táo bạo, nhưng hợp thời trong bối cảnh hình thức mua sắm trực tuyến tăng vọt dẫn tới ngày càng ít người đọc các ấn phẩm bằng giấy in.

 

 

IKEA cho biết các cuốn catalogue được phát hành lần đầu tiên vào năm 1951, với số lượng 285.000 cuốn và được phân phối khắp miền Nam của Thụy Điển, quê hương và cũng là nơi đặt trụ sở của IKEA. Các ấn phẩm này trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu.

Một thông tin thú vị do tạp chí The Economist tiết lộ đó là có 100 triệu bản sao của Kinh Thánh được bán hoặc tặng mỗi năm, nhưng con số này thấp hơn nhiều so với số bản sao catalogue của IKEA phát hành hàng năm. Mỗi năm, catalog của IKEA được phân phát đến khoảng 200 triệu người trên toàn thế giới với 32 ngôn ngữ khác nhau.

Theo Giám đốc điều hành Inter IKEA Systems, thuộc Inter IKEA Group, trong khoảng 70 năm qua, các cuốn catalogue được coi là một trong những sản phẩm mang tính biểu tượng và độc đáo của tập đoàn.

Việc dừng phát hành các ấn phẩm giấy in là một phần nằm trong chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số của thương hiệu nội thất số một thế giới này, nhằm khuyến khích khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm của tập đoàn trên môi trường số.

Thực tế hoạt động kinh doanh cho thấy trong năm 2019, doanh số bán hàng theo hình thức trực tuyến của IKEA đã tăng 45%. Khoản tiền tiết kiệm được từ chi phí in ấn sẽ được sử dụng cho chiến dịch quảng bá bán hàng trực tuyến cũng như các danh mục đầu tư khác.

Dự kiến, ấn phẩm catalogue giới thiệu sản phẩm cuối cùng bằng giấy in sẽ được xuất bản vào mùa Hè năm 2021 với số lượng in là 40 triệu cuốn.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lao đao vì dịch bệnh COVID-19 và mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ, thì IKEA lại đi ngược với xu hướng này với thông báo trả lại số tiền trợ cấp mà hãng đã nhận được từ 8 nước châu Âu và Mỹ vì tình hình tài chính của doanh nghiệp không quá căng thẳng như lo ngại.

IKEA đã nhận tiền trợ cấp từ Bỉ, Croatia, CH Czech, Ireland, Bồ Đào Nha, Romania, Serbia, Tây Ban Nha và Mỹ, những nước đang trải qua cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 nghiêm trọng, song IKEA không tiết lộ số tiền cụ thể.

Người phát ngôn của Tập đoàn Ingka, đơn vị sở hữu và quản lý hầu hết hoạt động bán lẻ của IKEA, cho biết IKEA đang liên hệ với chính phủ của 9 quốc gia trên về việc hoàn lại khoản trợ cấp mà doanh nghiệp đã nhận được để trả lương cho nhân viên trong lúc dịch bệnh hoành hành.

Ingka ban đầu dự báo hoạt động kinh doanh của IKEA sẽ giảm khoảng 70-80%, nhưng khi các cửa hàng mở cửa trở lại, nhu cầu người tiêu dùng về các mặt hàng nội thất lớn hơn dự tính. Chỉ có 10% số cửa hàng vẫn đang chịu thiệt hại vì Mỹ, Anh và Nga hiện chưa cho phép mở cửa.

Hồi tháng 1/2021, IKEA thông báo đóng cửa tất cả 30 cửa hàng của hãng ở Trung Quốc cho đến khi có thông báo tiếp theo nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Vào tháng Ba, khoảng 300 trong số 380 cửa hàng của IKEA trên khắp thế giới đã phải đóng cửa. Hầu hết trong số đó hiện đã mở cửa trở lại và chỉ có 16 cửa hàng vẫn đang phải đóng cửa.

 

Theo Doanhnhanhplus