Ảnh minh họa.

 

Khi mà bạn cho rằng đã hiểu về Amazon, công ty này lại tiếp tục tiến lên và thay đổi mọi thứ. Cuối tuần trước, Amazon khiến thị trường bán lẻ rúng động với tin tức đồng ý mua lại Whole Foods với giá 13,7 tỷ USD. Thương vụ ngay lập tức xáo trộn ngành siêu thị và biến công ty thương mại điện tử (TMĐT) trở thành gã khổng lồ bán hàng truyền thống.
Đối với những người không quen thuộc, vụ mua sắm tiền tỷ này có thể khiến họ “rớt hàm” vì sốc, song với những ai đã làm tại Amazon hay theo dõi công ty trong các năm qua, họ sẽ ít bất ngờ hơn, bởi đó là phong cách thường thấy của Jeff Bezos, nhà sáng lập kiêm CEO.
Hai thập kỷ qua, Bezos chứng minh tham vọng không có giới hạn của mình. Được thành lập với mục đích bán sách trên mạng, Amazon đã mở rộng sang các lĩnh vực phần cứng, dịch vụ đám mây, chương trình truyền hình và thường đi trước đối thủ vài năm.
Nadia Shouraboura, cựu giám đốc Amazon, người nghỉ việc năm 2012, đánh giá: “Jeff điên rồ như một con cáo. Ông ấy có tầm nhìn và dự định vô cùng rõ ràng”.
Về cơ bản, Bezos muốn thay đổi toàn bộ ngành bán lẻ, nhưng từng lĩnh vực một. Nó bắt đầu từ sách nhưng Amazon cũng bán dòng quần áo riêng, thử nghiệm với đặt khách sạn, chuyển phát thực phẩm qua Amazon Fresh. Với thương vụ mua Whole Foods, gã khổng lồ TMĐT có tiềm năng giành được thị phần lớn hơn trên thị trường 600 tỷ USD doanh thu chỉ riêng tại Mỹ.
“Khách hàng không muốn phải lê các giỏ đựng đồ lớn dọc siêu thị mà họ muốn thích thú lựa chọn thịt và rau chất lượng. Nhờ kết hợp những trải nghiệm mua sắm truyền thống tốt nhất với sự hiệu quả của công nghệ, siêu thị sẽ thay đổi”, Shouraboura, người từng nằm trong ban lãnh đạo cao cấp của Bezos và giám sát chuỗi cung ứng toàn cầu Amazon, nói.
Amazon cũng có thể sử dụng hệ thống cửa hàng để bán thêm thuê bao Prime. Khi đột nhiên sở hữu hơn 500 cửa hàng truyền thống, Amazon sẽ tận dụng để phát triển quan hệ với khách hàng mới và sẵn có.
Các nhà đầu tư nhanh chóng nhận ra sự xuất chúng của Bezos lần này. Cổ phiếu Amazon tăng 3% trong phiên giao dịch sớm thứ Sáu, khá bất thường với những doanh nghiệp vừa thông báo khoản mua sắm đắt đỏ. Cùng lúc này, chứng khoán của các ông lớn bán lẻ và thực phẩm khác lại lao dốc.
Michael Pachter, nhà phân tích của Wedbush, nhận xét đây là “bước đi chiến lược tuyệt vời”, đồng thời khen ngợi Bezos là “người thông minh nhất trong bất kỳ công ty nào”.
Bezos xứng đáng với danh hiệu ấy. Phần lớn những đối thủ trực tiếp với ông đều bị bỏ xa. Barnes & Noble tiếp tục khó khăn. Walmart phải chi 3 tỷ USD để đưa một cựu giám đốc Amazon về giúp cạnh tranh trên mạng.
Ngay cả những hãng đi tiên phong cũng đang phải chơi trò “đuổi bắt” với Amazon. Google, Apple đều cố gắng lặp lại thành công của Amazon trong lĩnh vực loa thông minh. Microsoft, Google lại nỗ lực để dịch vụ đám mây đối đầu được với Amazon Web Services.
Sukhinder Singh Cassidy, người làm tại Amazon từ những năm đầu, chia sẻ: “Jeff là tổng hòa của sự đa dạng, sáng tạo, kỷ luật, đa diện và khôn khéo. Ông có thể tận dụng năng lực này trên nhiều lĩnh vực lớn đồng thời. Đó chính là thứ khiến ông ấy có thể mua Whole Foods cùng lúc với việc tái hình dung cách sáng tạo nội dung và giao hàng”.
Tất nhiên, Amazon cũng có những sản phẩm thất bại, chẳng hạn mẫu điện thoại Fire bị ngừng sản xuất chỉ một năm sau ngày ra mắt. Song, chuỗi thành công liên tiếp đã đưa Amazon trở thành một trong năm công ty giá trị nhất thế giới và biến Bezos thành người giàu thứ hai hành tinh.
Với hàng tỷ đô trong tay, ông chứng minh Amazon không chỉ gói gọn trong bán lẻ. Bezos đã mua Washington Post với giá 250 triệu USD năm 2013. Tờ báo hiện đang có lãi, tuyển thêm nhân viên và gần đây chạm mốc 1 tỷ lượt xem hàng tháng vào thời điểm mà ngành truyền thông đang chao đảo.
Trong thời gian rảnh rỗi, ông còn xây dựng một công ty vũ trụ có tên Blue Origin. Tất cả chỉ nhằm nói lên một điều: Jeff Bezos có tham vọng vô tiền khoáng hậu và đủ tài nguyên để hỗ trợ tham vọng đó.
Theo ICTNews